Tại sao lại xuất hiện virut máy tính?
Virut máy tính khác với virut trong cơ thể con người. Nó thật ra là những chương trình có khả năng phá hoại công việc của máy tính. Nó được những người có kiến thức máy tính nhưng thiếu đạo đức nghề nghiệp tạo ra. Những người này hoặc là vì muốn chứng tỏ "tài năng" của mình, hoặc là xuất phát từ những động cơ khác mà lập chương trình virut cài vào trong máy tính hoặc lưu trữ trong đĩa mềm. Một khi máy tính vận hành chương trình này thì nhẹ ra là trên màn hình sẽ xuất hiện những hình vẽ và dòng chữ khác thường, nặng thì đình trệ công việc hoặc xóa đi phần lớn những dữ liệu quan trọng, gây nên tổn thất khôn lường.
Virut máy tính bắt nguồn từ Mĩ. Những năm 60 của thế kỷ XX, một nhóm nghiên cứu trẻ của một công ty Mĩ thường sau giờ làm việc là lao vào trò chơi mà họ tạo ra: mỗi người soạn một chương trình nhỏ, đưa vào vận hành trong máy tính để tiến công nhau nhằm phá chương trình của người kia. Chương trình này trên thực tế chính là hình hài của virut máy tính.
Virut máy tính đã lan rất nhanh trên toàn cầu, vượt qua cả dự liệu của con người. Đến nay đã phát hiện ra hàng trăm loại virut. Trung Quốc từ tháng 4 năm 1984 sau khi lần đầu phát hiện ra virut máy tính thì không lâu sau nó đã phát triển mạnh và lan tràn khắp lục địa Trung Hoa. Những loại virut tương đối lưu hành không dưới mười mấy loại. Ví dụ: virut tiểu cầu, virut đậu mùa, virut thứ 6 đen, virut Pakistan, virut 2 chấm, virut vô hình, virut sát thủ đĩa từ, virut Vienna, virut sinh sôi cuồng dại, virut CIH, v.v.
Virut trong máy tính thường có những đặc điểm sau:
(1) Tính phá hoại. Nó có thể sửa đổi chương trình bình thường, phá hoại các chức năng vốn có của chương trình bình thường, thậm chí làm cho máy tính đưa ra những phán đoán sai lầm, những tổn thất gây ra người ta thường không lường hết được. Ví dụ ngày 3 tháng 11 năm 1998 hệ thống mạng lớn nhất của Mĩ - Internet đã bị virut đột kích, khiến cho 6200 máy tính mini, trạm công tác (workstations) bị nhiễm virut, gây tổn thất kinh tế tới 92 triệu USD.
(2) Tính truyền nhiễm. Có chương trình virut có thể thâm nhập vào chương trình bình thường, khiến chương trình này bị lây nhiễm virut mà không làm việc bình thường được. Nếu bạn dùng phải đĩa mềm mang virut thì máy tính của bạn sẽ bị virut xâm hại. Nếu một chiếc đĩa mềm không có virut được sử dụng trên máy tính có virut thì đĩa mềm này cũng sẽ nhiễm virut, nó sẽ lan truyền sang máy kia.
(3) Tính tiềm phục. Nó có thể ẩn nấp mấy ngày, mấy tuần, thậm chí là mấy tháng, mấy năm trong chương trình: ẩn mà không phát. Khi đủ điều kiện phát tác như: đến một thời gian hoặc lịch dự định, một văn kiện nào đó xuất hiện thì nó sẽ bắt đầu phát tác như một quả bom định giờ.
Có thể thấy, virut máy tính là một chương trình có tính phá hoại. Nó lan truyền trong một máy hoặc giữa các máy. Người ta mượn danh từ virut trong sinh vật học để gọi tên nó, nhưng nó không hề lây truyền sang người.