Tại sao máy vi tính lại có thể giúp nông nghiệp tăng sản?
Cùng với sự vận dụng các kĩ thuật khoa học cao mới trong sản xuất nông nghiệp, “ngành nông nghiệp truyền thống” đang phát triển theo hướng “nông nghiệp chính xác”. Đặc biệt là việc sử dụng phối hợp máy vi tính và các kĩ thuật tiên tiến khác, không chỉ có thể tự động giám sát tình hình độ ẩm, độ phì nhiêu của thổ nhưỡng và cả nhiệt độ, độ ẩm và sức gió trong môi trường sinh trưởng, hơn nữa còn có thể dự đoán sự phát sinh của côn trùng gây hại, đồng thời tiến hành công việc cảnh báo. Người nông dân có những căn cứ đáng tin cậy này có thể tưới nước, bón phân hợp thời hợp lượng, khi côn trùng gây hại vừa mới xuất hiện liền chọn biện pháp tiêu diệt, từ đó mà xây dựng cơ sở cho việc ổn định cao trong sản xuất nông nghiệp.
Mọi người biết rằng, thực vật khi gặp khô hạn cần tiến hành tưới nước. Làm thế nào để kịp thời tưới nước cho cây, dùng bao nhiêu nước thì đủ cho nhu cầu của cây mà không lãng phí, con người thường khó nắm chắc được điều này. Nếu nhập hết các số liệu có liên quan về lượng nước trong đất, tình hình sinh trưởng của cây vào máy tính, vấn đề đó đã có chiều hướng giải quyết. Một số người nông dân ở vùng bình nguyên Pherơ nước Nga đã dùng máy tính để điều khiển hệ thống tưới nước, máy tính có thể chọn lựa một cách khoa học phương án tưới nước thích hợp nhất, giúp cho mỗi mảnh đất đều được lượng nước cần thiết. Một công ty ở bang Florida của Mĩ đã sử dụng hệ thống quản lí dữ liệu máy tính, có thể dùng các bộ cảm biến chôn dưới đất, theo thời gian tính số lượng nước và phân bón chính xác mà cây trồng cần, như vậy vừa đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây trồng đối với nước và phân bón, lại tiết kiệm 30% phí tưới nước và 50% phí phân bón. Ngoài ra, còn có thể căn cứ vào con số máy tính đưa ra để quyết định loại phân bón, từ đó mà thúc đẩy một cách có hiệu quả tăng sản được mùa của cây trồng nông nghiệp.
Côn trùng gây hại là đại nạn trong sản xuất nông nghiệp. Trước kia, người nông dân dùng thuốc diệt côn trùng thường có những tác dụng phụ. Vì vậy các nhà khoa học Nhật Bản mấy năm gần đây đã vận dụng những con số mà máy tính đưa ra để phòng trị côn trùng. Họ nhập vào máy tính những số liệu có liên quan như về mật độ côn trùng, tình hình sinh trưởng sinh sôi, khu vực phân bố của côn trùng... từ máy tính tính ra thời gian thích hợp nhất, số lượng, số lần phun thuốc, thu được hiệu quả cao. Thực tế chứng minh, dùng phương pháp này để trừ các sâu bệnh như sâu bệnh đại ôn, sâu hại lúa... hiệu quả của nó khiến người ta hài lòng. Ở nước Mĩ người ta dùng máy tính để phòng trừ sâu bệnh trong vườn táo, thuốc diệt sâu mà sử dụng so với trước giảm 32,9%, số lần phun thuốc mỗi năm giảm từ 12 xuống 5 lần, mỗi mẫu có thể tiết kiệm 30 USD, tăng hiệu quả kinh tế và lại bảo vệ môi trường sinh thái.
Dự báo một cách chính xác tình hình thay đổi thời tiết cũng là một biện pháp quan trọng trong bảo đảm tăng sản cây nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp Pháp sử dụng hệ thống quản lí bằng máy tính, vừa có thể thường xuyên đưa ra những số liệu như đồ giải tuyến tính về sự thay đổi nhiệt độ tháng, năm một cách chính xác, lại thống kê ra tần suất thay đổi giảm nước và tần suất bảo vệ thời kì không có sương, vẽ ra các sơ đồ khí tượng nông nghiệp của nước Pháp, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp.
Trong sản xuất nông nghiệp, do máy tính chung sức hợp tác ở mọi khâu, nên đã giảm đi nhiều cường độ lao động của sản xuất nông nghiệp, đáp ứng một cách khoa học hóa những “nhu cầu” của thực vật, vừa giảm giá thành lại vừa tăng sản lượng nông nghiệp. Trong tương lai, máy tính sẽ mang lại một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử giúp cho sản xuất nông nghiệp.