Tại sao sứa có thể cắn người?
Sứa là một loài động vật bậc rất thấp, thường nổi trên mặt biển, dập dềnh theo sóng. Trong cơ thể sứa chứa trên 95% nước. Bởi vậy nhìn nó trong suốt giống như không màu sắc, rất thú vị. Nhưng sứa lại không mềm yếu như dáng vẻ bề ngoài của nó, nếu như bạn chạm tay vào nó thì giống như chạm tay vào con sâu róm vậy, sẽ bị cắn đến vừa đỏ vừa sưng, đau đến khó mà chịu được.
Sứa cắn người bằng cách nào?
Hoá ra, cơ thể sứa chia thành 2 bộ phận, một bộ phận là phần "ô" nổi trên mặt nước, một bộ phận khác là giác quan bên mép chìm dưới nước. Có những con sứa xung quanh "ô" của nó có rất nhiều tua cảm nhỏ, có những con sứa lại mọc những tua dài ở giác quan bên mép. Những chiếc tua này rất quan trọng, bên ngoài của chúng phân bố vô số tế bào gai, trong tế bào gai có nang sợi gai, trong nang sợi gai chứa dịch độc và một búi sợi gai dài mảnh. Khi con mồi hay kẻ địch tiếp xúc phải con sứa thì sợi gai sẽ lập tức mở ra, đâm về phía đối phương. Đồng thời, dịch độc trong nang từ trong sợi gai của ruột rỗng phun ra, như tiêm vào trong cơ thể của đối phương. Một khi gặp phải sự tấn công của sợi gai thì đối tượng sẽ bị trúng độc và tê liệt rất nhanh.
Loài sứa đáng sợ nhất phải tính đến là loài sứa hà Bắc Cực, đường kính "ô" của nó khoảng 2 m, mép dưới của "ô" có 8 cụm tua, mỗi cụm có 150 cái, trên mỗi tua lại có vô số tế bào gai. Điều đáng sợ hơn là tua của nó có thể vươn dài đến hơn 40 m, một khi tất cả các tua đều mở ra thì như một thiên la địa võng, tổng diện tích có thể đạt tới 500 m2. Lúc này, nếu như có người không may bơi vào phạm vi này thì hậu quả không thể tưởng tượng nổi. Rất may là loại sứa đáng sợ này chỉ phân bố ở trong vùng biển Bắc Cực mà ở đó rất hiếm dấu vết của con người.