Tại sao vi sinh vật trong đất lại rất nhiều?
Nếu như từ trong một miếng đất màu mỡ, bạn lấy ra một ít đất đặt dưới kính hiển vi kiểm tra thì sẽ phát hiện có rất nhiều vi sinh vật hình thù kì lạ, đủ kiểu sống ở trong đất, tưởng như là đi vào trong một thế giới muôn màu muôn vẻ. Trong 1 gam đất như vậy, số lượng các vi sinh vật có thể nhiều tới mấy tỉ, do vậy con người gọi đất là "ngôi nhà" mà các vi sinh vật thích cư trú nhất.
Tại sao trong đất lại có nhiều vi sinh vật đến như vậy? Nguyên nhân chủ yếu nhất là do đất đã cung cấp đầy đủ cho vi sinh vật thức ăn và môi trường sinh sống thích hợp.
Chúng ta đã biết, sau khi các loài động thực vật chết đi, thi thể của chúng được chôn trong đất. Điều này làm cho vi sinh vật có nguồn thức ăn không bao giờ cạn. Ngoài ra, trong đất còn có nhiều chất khoáng, như kali, natri, magiê, sắt, lưu huỳnh, photpho..., những khoáng chất này đều là những vật chất cần thiết để bảo đảm cho vi sinh vật có thể sinh trưởng bình thường.
Đối với vi sinh vật mà nói thì đất là một môi trường sống đặc biệt thích hợp. Bởi vì trong đất có hàm lượng nước nhất định có thể đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng của vi sinh vật, có lượng không khí vừa phải để cung cấp cho vi sinh vật thở, độ axít trong đất gần như trung tính, làm cho đại đa số vi sinh vật đều có thể thích ứng. Ngoài ra còn có một điểm rất quan trọng nữa là sự thay đổi nhiệt độ của bốn mùa trong một năm dưới lòng đất không nhiều, mùa hè không phải chịu cái nóng của Mặt Trời chói chang, mùa đông không có gió lạnh thổi.
Do đất có điều kiện môi trường ưu việt như vậy, nó chính là môi trường sống lí tưởng cho nhiều vi sinh vật, do vậy, rất nhiều vi sinh vật muốn sinh sống trong lòng đất.