Thế nào là sao hồng ngoại?
Bao nhiêu thế kỷ nay người ta đã quen dùng mắt thường hoặc thông qua kính viễn vọng để quan sát các sao.
Một cách khoa học là dùng ánh sáng nhìn thấy để quan sát các thiên thể. Đó là vì mắt thường của con người chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng trong phạm vi bước sóng thấy được, đối với sóng điện từ khác ta chỉ có thể dùng máy móc để quan sát.
Nếu một thiên thể nhiệt độ thấp dưới 4000 °C thì ánh sáng nó phát ra là màu đỏ và tối. Điều đó giống như một thanh thép vừa bắt đầu nung, nó không phát sáng mà chỉ phát ra nhiệt. Nhiệt độ tăng nó cũng đỏ dần, nhiệt độ càng tăng cao nó biến thành màu sáng trắng, trong màu trắng còn có ánh sáng xanh. Khi nguội trở lại nó dần dần biến thành màu đỏ, cuối cùng mất đi độ sáng.
Tất cả những hằng tinh trong quá trình ra đời hoặc đến độ tuổi suy lão sắp tàn cũng giống như thanh thép vừa được nung nóng hoặc trong quá trình nguội đi, ánh sáng màu đỏ ảm đạm mà nó phát ra là tia hồng ngoại. Những thiên thể đó nằm từ vừng sâu trong vũ trụ hầu như không phát ra ánh sáng, những ngôi sao như thế gọi là sao hồng ngoại.
Còn có một số ngôi sao bị lớp bụi và mây mù dày đặc giữa các ngôi sao bao bọc khiến cho ngôi sao vốn vừa nóng, vừa sáng bị che lấp thành vừa đỏ, vừa tối. Có những lớp bụi thậm chí hoàn toàn che lấp ánh sáng và hấp thu hết nhiệt lượng của ngôi sao bị nó bao bọc, bản thân lớp bụi đó phát ra tia sáng hồng ngoại. Những ngôi sao bị bao bọc bởi lớp bụi như thế cũng được gọi là sao Hồng ngoại.
Đáng tiếc Trái Đất chúng ta cũng bị một tầng khí quyển bao bọc, nó cản trở các nhà thiên văn tiến hành nghiên cứu các thiên thể. Tầng khí quyển hấp thu một lượng lớn tia hồng ngoại. Để quan sát những ngôi sao hồng ngoại này người ta đành phải đưa thiết bị lên máy bay, khinh khí cầu, tên lửa hoặc vệ tinh nhân tạo ra ngoài tầng khí quyển để quan sát.