Tôi sẽ không khóc
Tôi nhận trách nhiệm làm mẹ chỉ mới mười chín năm rưỡi - không là bao, so với những gì ba mẹ tôi đã từng trải qua - nhưng cũng đủ lâu để khó mà nhớ lại khoảng thời gian hồi tôi còn là một phụ nữ "độc thân vui tính".
Mặc dù tôi yêu các con nhiều như các bà hàng xóm, đôi khi tôi chẳng hề khóc trong khi những bà mẹ khác lại khóc ròng.
Tôi có bị chuyện gì không vậy? Tôi có gặp khuyết điểm khi làm mẹ không vậy? Tôi là người có trái tim bằng đá hay sao? Chẳng lẽ tôi là người thiếu tình cảm với các con?
Tôi chợt nghĩ ra rằng mình không phù hợp các quy định làm mẹ khi cô bạn tôi (và hàng xóm của tôi) bắt đầu chịu đựng chứng kích động vì đau khổ, trước viễn cảnh sáu tháng nữa (!) con gái họ sẽ tốt nghiệp trung học, rồi khỏi nhà, và đi học đại học.
Tôi thì khác, tôi sốt ruột muốn đứa con trai làm mau mau làm điều đó. (ít ra, tôi hy vọng nó sẽ thực hiện được điều đó. Tôi không muốn nó lẩn quẩn trong nhà như người đàn ông trong đoạn phim quảng cáo, ông ta ngồi mọc rễ trên chiếc ghế sofa nhà cha mẹ, luôn miệng đời ăn món khoai tây chiên. Đó mới là điều để đáng khóc!)
Cô bạn tôi quẫn trí vì chuyến-đi-sắp-xảy-ra của con gái đến mức, một buổi tối nọ, trong lúc lái xe về nhà, cô ta nổi con kích động và không thể điều khiển tay lái được. Chiếc xe chạy ngoằn ngoèo giữa đường. Một xe tuần tiễu tình cờ xuất hiện phía sau cô ta. Họ bắt cô ta tấp xe vào lề đường, yêu cầu cô ta đo nồng độ cồn trong hơi thở.
Vậy là người bạn tội nghiệp của tôi phải cố gắng giải thích với các nhân viên công lực rằng cô ta không say xỉn, mà chỉ đang trải qua cơn khủng khoảng của một người mẹ trước viễn ảnh chia tay.
Ngày đứa con trai lớn tốt nghiệp trung học, tôi không hề nhỏ xuống một giọt nước mắt. Thật ra, tôi hết sức phấn khởi trước viễn cảnh này. Tôi xúc động - cho nó - và cho vợ chồng tôi. Một cảm giác nhẹ nhõm lan khắp thân thể khi tôi thấy nó đứng thắng trong hàng, nét mặt trịnh trọng với nào áo thụng, nào mũ miện. Nó đã hoàn tất chương trình, nó đã làm xong công việc đó, và bây giờ người ta nhìn thấy tên của nó trên tấm bằng tốt nghiệp lấp lánh. Tôi nghĩ đã đến lúc tôi có thể thở ra một hơi nhẹ nhõm.
Khi người ta hỏi tôi: "Cô có buồn khi nó tốt nghiệp không?", "Cô có nhớ nó vì nó phải đi xa để học đại học không?", "Cô có cảm thấy cô đơn khi vắng nó không?". Tôi rất muốn trả lời chân thật, muốn nói "Không" cho những câu hỏi trên. Nhưng tôi nghĩ, câu trả lời như vậy sẽ làm người ta nhìn tôi như một người ngoài hành tinh, thành ra tôi nói dối: "Có".
Tôi chợt nghĩ ra rằng, chuyện tôi sẵn sàng cho các con tôi bay nhảy không phải là điều mới mẻ. Khi đứa con trai lớn mới ba tuổi rưỡi, tôi đã nắm tay nó dẫn đến nhà trẻ, nơi người ta chỉ nhận trẻ con bốn tuổi thôi.
Cách đây mười bốn năm, trong khi bạn bè điên cuồng lên vì con cái họ phải đi nhà trẻ, thì tôi lại thắc mắc những câu như: "Sao tụi nhỏ chỉ được học có nửa ngày vậy? Tụi nó không thể học nguyên một ngày sao?"
Tôi cho rằng mình lúc nào cũng sẵn sàng chuyển sang giai đoạn tiếp theo, và tôi không nghĩ đó là điều xấu, tôi chỉ nghĩ đó là tiến trình tự nhiên của cuộc sống.
Vợ chồng tôi thường thảo luận về sự sẵn sàng của mình. Đó là một khiếm khuyết về tính cách phải không? Chúng tôi có ít bản chất cha mẹ han những ông bố bà mẹ luôn mắc chứng bệnh cảm thấy nhà cửa trống trải khi con cái ra đi? Tôi không nghĩ vậy.
Làm một người mẹ, đó là công việc an phước nhất và tuyệt vời nhất mà tôi đảm nhận trong đời. Tôi cống hiến toàn bộ khả năng và sức lực của tôi cho nhiệm vụ này, để rồi khi tới thời điểm nào đó, các con tôi và tôi hoàn toàn đồng ý với nhau, rằng đã đến lúc chúng thu xếp hành lý và lên đường tiếp tục cuộc sống! Nếu các con tôi trở nên những con người trưởng thành và đứng đắn, coi như nhiệm vụ của tôi đã hoàn tất và làm rất tốt.
Và, vâng, tôi có khóc đấy chứ. Thật ra, chồng tôi cho rằng tôi là một phụ nữ mít ướt. Nhưng tôi sẽ không khóc vì con cái tôi sắp bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đời chúng. Không. Tôi chỉ khóc khi chúng bị tổn thương hoặc bị đối xử không đúng. Tôi chỉ khóc khi chúng xét đoán sai lầm về người khác hoặc tự đánh giá thấp bản thân. Tôi chỉ khóc khi chúng làm những điều nguy hiểm hoặc ngu ngốc. Nhưng tôi sẽ không bao giờ khóc khi chúng muốn xoãi rộng đôi cánh và tiếp tục cuộc sống riêng.
Vợ chồng tôi là người xây dựng cái tổ ấm trống rỗng trước khi chúng tôi nhận biết điều đó.
Cuộc sống sẽ như thế nào khi bọn trẻ tung cánh bay đi khắp bốn phương trời, chỉ còn lại hai con người già nua này? Không còn sự ồn ào. Không phải làm trọng tài cho các cuộc tranh cãi. Không còn những đêm thức khuya, thở dài sườn sượt, chẳng biết thằng nhỏ đang ở đâu và nó có nhớ giữ ấm cơ thể hay không.
Tôi sẽ làm những gì với khoảng thời gian trước đây dành cho giặt ủi quần áo, dàn xếp chuyện lủng cũng nội bộ và can thiệp vào cuộc khủng hoảng?
Hừmmm... Thôi thì tôi cứ chờ xem, nhưng có lẽ tôi sẽ thấy mọi việc đều tốt đẹp!