Vì sao băng keo dán ép chỉ cần ép mạnh là bám chặt?
Nói đến “keo dán ép” nghe hơi lạ tai. Nhưng thực ra nó rất quen thuộc với chúng ta. Giấy dán dùng ở văn phòng, băng keo trong, băng cao cứu thương, băng dính cao su... đều thuộc họ keo dán ép. Sở dĩ gọi là keo dán ép vì không cần gia nhiệt, không cần phối hợp với các dung dịch hồ dán khác, chỉ cần dùng tay ép một cái là dính chặt. Đem keo dán ép phủ lên một màng mỏng làm đế ta sẽ có băng keo dán ép.
Có nhiều loại băng keo dán ép, lượng sử dụng lớn, có thể dán lên nhiều loại vật liệu. Băng dán ép thông thường do ba bộ phận lớn tạo nên. Đế băng keo, chất dính bám và chất cách ly. Đại đa số băng keo dán ép được cuộn thành cuộn. Vật liệu làm đế thường là các màng mỏng bằng plyclovinyl, polyetylen, polyprolylen… Nếu keo dán có độ dính bám tốt thì rất khó tháo ra khỏi cuộn để sử dụng, vì vậy người ta cần phải nhờ đến chất cách ly. Với các băng dính một mặt, chất cách ly thường được phủ ở sau lưng mặt có keo dán. Với loại băng keo dính hai mặt người ta phải kẹp băng keo dán vào giữa hai lớp băng có phủ chất cách ly, tức hai mặt keo dán ép phải được ngăn bằng băng giấy hoặc băng bằng chất dẻo mỏng có phủ chất cách ly.
Các chuyên gia còn phát minh ra một loại băng keo dán ép có chất gia cố độ dính bám. Loại băng dính này có trải một lớp gồm những túi li ti mắt người không nhìn thấy được, bên trong túi nhỏ có chứa chất dính bám có độ dính bám cường độ lớn, ở mặt ngoài các túi nhỏ lại có phủ một lớp keo có độ dính bám nhỏ. Khi sử dụng, nếu dùng tay ấn nhẹ thì băng keo sẽ dính vào vật cần dán với lực dính nhỏ. Khi vị trí của mảnh băng dính còn chưa thích hợp người ta có thể thay đổi vị trí mảnh băng keo đến chỗ vừa ý, sau đó dùng sức ấn mạnh lên phía lưng của miếng băng dính, bấy giờ chất dính bám có cường độ lớn bên trong các túi nhỏ sẽ phát huy tác dụng và mảnh băng dính sẽ dính rất chặt vào vật cần dán.
Ngoài ra người ta còn dùng các loại băng dính đặc chủng: Loại băng dính gia cố bằng hút ẩm và loại băng dính gia cố bằng chiếu xạ. Với loại băng dính gia cố theo cơ chế hút ẩm, khi mới dán, băng dính vào bề mặt vật thể, độ dính rất thấp. Khi hấp thụ hơi nước trong không khí lực dính sẽ tăng dần, cuối cùng lực dính có thể tăng gấp 10 lần so với lúc ban đầu. Với loại băng dính gia cố bằng chiếu xạ, sau khi dán, cho chiếu xạ bằng đèn thuỷ ngân cao áp trong 10 phút, độ dính sẽ được tăng cao nhiều lần.