Vì sao chụp ảnh trên không có thể phân biệt được tình hình dưới đất?
Ngày nay chụp ảnh trên không là một phương thức quan trọng để tìm hiểu tình hình dưới đất.
Vì trong kĩ thuật cảm nhận từ xa (viễn thám) dùng phương pháp nhiều dải tần làm thành ảnh, khiến cho những vật trên mặt đất khó phát hiện hoặc nằm tản mạn dưới lớp đất dày và tài nguyên dưới rừng xanh cũng có thể hiện rõ nguyên hình.
Vì sao ảnh nhiều dải tần lại "thần thông quảng đại" như thế?
Bởi vì ảnh nhiều dải tần căn cứ bước sóng dài của sóng điện từ từ các vật dưới đất phát ra để ghi lại. Điều đó có hiệu quả tương tự giống như khi ta chụp ảnh cho thêm ống kính lọc màu khác nhau vào trước ống kính máy ảnh. Nếu ta muốn khắc hoạ lên ảnh những đám mây hay các chi tiết cảnh vật chung quanh thì phải thêm kính lọc màu vàng, nếu đặt thêm vào những kính lọc màu khác nhau ta sẽ được hiệu quả khác nhau. Cùng một vật thể trên Trái Đất, dù màu sắc hay hoa văn của nó trên ảnh dải tần khác nhau đều có sự khác biệt. Những vật có tính chất khác nhau trên Trái Đất càng làm cho bức ảnh nhận được khác nhau. Như vậy khiến cho ta có nhiều căn cứ để phân tích, mở rộng tầm nhìn, có thể phân biệt được những cảm giác mà từ trên mặt đất không dễ quan sát thấy.
Vậy làm thế nào để phát hiện được những tài nguyên tản mạn nằm sâu dưới mặt đất? Kĩ thuật cảm nhận từ xa ngày nay chưa thể thông qua chụp ảnh để thể hiện những vật nằm dưới đất, nhưng nó có thể khiến cho kết cấu của tầng đất bên trên vật đó cũng như địa hình phát sinh những biến đổi nhỏ. Những biến đổi này khiến cho tính ngậm nước, các loại cây mọc phía trên và mức độ dày thưa của nó khác nhau. Tất cả những điều này đều hiện rõ trong ảnh nhiều dải sóng. Ví dụ lấy nếp gãy tầng ở dưới đất mà nói, ở cạnh nó thường chứa đầy nước, nước có tính hấp thu mạnh đối với sóng điện từ, cho nên trên tấm ảnh hiện ra một màu sẫm hoàn toàn khác với chung quanh. Nhìn vào đó ta có thể phát hiện được nếp gãy. Không ít nếp gãy có liên quan với hình thành mỏ. Có một số mỏ nằm dưới đất của cánh rừng rậm, trên mặt đất không những khó phát hiện mà dùng máy bay quan sát cũng rất khó, nhưng chất diệp lục trên lá cây có phản xạ rất mạnh đối với tia hồng ngoại. Trên tấm ảnh dải sóng tia hồng ngoại, rừng xanh không phải là màu đậm mà ngược lại là màu nhạt. Như vậy đường biên của mỏ nằm dưới rừng xanh che phủ sẽ hiện rõ ra. Ảnh dải sóng tia hồng ngoại đối với những mỏ có thể bức xạ nhiệt, ví dụ như mỏ khoáng sản phóng xạ, nguồn địa nhiệt, mỏ lưu huỳnh hoá đều đặc biệt nhạy cảm, do đó đường biên của chúng rất rõ và dễ phát hiện.
Ngày nay kĩ thuật cảm nhận từ xa đã phát triển thành nhiều tầng thứ, nhiều phương pháp, nhiều đặc điểm, trùng lặp nhiều lần.
Nhiều tầng thứ là nói vừa có thể dùng vệ tinh trên cao để quan sát (cảm nhận từ xa bằng vũ trụ), ở tầng vừa và thấp có thể dùng máy bay mang theo máy quan sát (cảm nhận từ xa bằng hàng không), lại vừa có thể dùng ô tô cảm nhận từ xa trên mặt đất để quan sát. Cùng một vật thể từ những độ cao khác nhau quan sát kĩ thì có thể từ những góc độ và độ cao khác nhau thu thập được nhiều tài liệu, qua phân tích so sánh có thể tìm ra sự phán đoán gần giống với vật thật.
Nhiều phương pháp tức là nói những thiết bị cảm nhận từ xa mà ngày nay đang dùng đã có thể tiếp thu quang phổ của các dải sóng điện từ từ ánh sáng có thể nhìn thấy được đến tia hồng ngoại và vi ba… Còn có thể dùng phương pháp laze, dùng ảnh và máy quét đa quang phổ, đồng thời có thể tiếp thu những dải quang phổ khác nhau, có lúc trên vệ tinh hoặc máy bay có thể dùng đồng thời những thiết bị có nhiều dải song song để quan sát. Như ta đã biết, bất cứ vật thể nào dưới những đặc tính quang phổ của các dải sóng khác nhau đều thể hiện khác nhau. Như vậy so với chỉ dùng một dải sóng (ví dụ chụp ảnh phổ thông) thì sẽ nhận được nhiều tư liệu về đặc tính của vật đó. Vệ tinh tài nguyên Trái Đất cứ 18 ngày lại quan sát lặp lại khu vực cũ một lần. Nhưng vì ảnh hưởng của thời tiết, sự lớn lên của cây cối với mặt đất và tình hình chứa nước thay đổi, các mùa khác nhau, độ cao của Mặt Trời và góc chiếu của ánh nắng cũng phát sinh biến đổi, cho nên ảnh chụp của cùng một vật trong những mùa và ngày khác nhau cũng sẽ bị biến đổi. Vì vậy chúng ta dùng phương pháp chụp ảnh mặt đất từ trên không có thể tìm hiểu được rất nhiều tình hình ở dưới đất.