Vì sao có người nói lắp?
Nói lắp thường đưa lại nhiều phiền phức và đau khổ. Có một số người nói lắp, khi nhìn thấy người khác đọc lưu loát hoặc nói rất hùng hồn, còn bản thân lắp ba lắp bắp không nói rõ được ý tứ của mình thì trong lòng cảm thấy bị ức chế. Đặc biệt, khi bị người khác cười đùa, họ càng tỏ ra căng thẳng, nói không ra lời.
Các bác sĩ cho rằng nói lắp chủ yếu có mấy nguyên nhân sau:
- Tò mò, thích bắt chước người khác nói lắp, hoặc thường tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải những ám thị không tốt, kết quả tự mình dần dần cũng biến thành nói lắp.
- Bị quở phạt hay uy hiếp quá mức, hoặc tinh thần bị tổn thương mà gây nên nói lắp.
- Sau khi bị các bệnh truyền nhiễm như dịch cảm, ho gà..., chức năng vỏ đại não bị giảm yếu, tinh thần dễ bị kích thích, dẫn đến căng thẳng quá mức, gây nói lắp.
Khi nói, bệnh nhân thường có tinh thần gấp gáp, có khi lắc đầu, hoa chân, múa tay, trừng mắt, méo miệng, môi run, nói một câu phải tốn rất nhiều sức. Nghiêm trọng hơn, phần đông người nói lắp đều là thanh niên; vì nói năng khó khăn nên họ dần trở nên cô độc, co mình lại, xấu hổ và mặc cảm; cần có biện pháp để uốn nắn kịp thời.
Muốn bỏ được nói lắp, trước hết phải xóa bỏ trở trại về tâm lý. Nếu xem nói lắp là vấn đề quá nghiêm trọng thì trở ngại tâm lý sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu cho đó là một tật bình thường, có thái độ coi thường thì sẽ dễ uốn nắn, thậm chí không chữa cũng khỏi.
Phương pháp hữu hiệu để chữa bệnh nói lắp là tốc độ nói phải chậm, khi nói phải mạnh dạn, vừa phải bình tâm, hòa nhã, tự nhiên, cố gắng phát âm chậm và dịu dàng.
Ngoài ra, khi nói cố giữ tiết tấu, có thể chia lời nói thành các ý đơn giản, mỗi ý nói một lần. Câu nói phải nối với nhau. Chỉ có phát âm chậm và có tiết tấu mới có thể khiến cho ngôn ngữ nhẹ nhàng, dịu dàng, liên tục mà không bị đứt đoạn.
Ngoài ra, người nói lắp nên tập đọc to mỗi ngày một lần, trước hết là đọc cho mình nghe, sau đó dần dần mở rộng phạm vi, có thể tham gia ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ trước bạn bè. Điều này vừa có thể khắc phục trở ngại về ngôn ngữ, vừa khắc phục được trở ngại về tâm lý. Người nói lắp phải dám mạnh dạn thể hiện mình, cố ý nói chuyện ở chỗ đông người để cho sự căng thẳng tâm lý giảm đi. Sự tập trung tinh thần vào tiết tấu và âm luật sẽ khiến bệnh nhân chuyển được sự chú ý đối với động tác phát âm, dần dần sẽ nói tự nhiên hơn.