Vì sao hồ chứa nước lớn dễ gây nên động đất?
Vùng Aolôuây bang California Mỹ trong lịch sử rất ít xảy ra động đất. Theo ghi chép từ năm 1845 đến nay, trong vòng hơn 100 năm, trong bán kính 40 km chưa hề xảy ra động đất. Nhưng sau tháng 9 năm 1968 ở đây đã bị động đất làm nhiễu loạn. Ngày 1 tháng 8 năm 1975 còn phát sinh một lần động đất cấp 5,7 độ Richte, khiến cho thành phố Aolôuây bị phá hoại nghiêm trọng.
Vùng lâu nay không có động đất này vì sao bây giờ lại thường bị động đất? Nguyên nhân là ở đó người ta mới xây dựng hồ chứa nước. Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX ở đó đã xây dựng một hồ chứa nước loại trung, dung tích khoảng 4,4 tỉ mét khối. Năm 1967 bắt đầu tích nước từ tháng 9 đến tháng 12, ở đó bắt đầu liên tiếp xảy ra những trận động đất nhỏ. Ba tháng ghi được 33 lần, bình quân cứ ba ngày có một lần. Ban đầu vì động đất nhỏ nên người ta không chú ý. Tháng 7 năm 1969 khi nước chứa đến mức lớn nhất thì động đất cũng tăng lên rõ rệt. Cuối cùng tháng 8 năm 1975 xảy ra một lần động đất mạnh.
Vì xây dựng hồ nước gây nên động đất đã phát sinh ra ở nhiều vùng trên thế giới. Theo thống kê, tối thiểu có trên 50 ví dụ. Trong đó lần động đất lớn nhất xảy ra sau năm năm hồ chứa nước ở Kaila ấn Độ được hoàn thành, đạt đến 6,5 độ Richte. Ở hồ chứa nước Tân Phong của Trung Quốc, sau khi tích nước ba năm cũng xảy ra động đất cấp 6,1 độ Richte.
Nói chung người ta cho rằng: có hai nguyên nhân chủ yếu làm cho hồ chứa nước gây ra động đất. Nguyên nhân thứ nhất có liên quan với môi trường địa chất của vị trí hồ chứa nước. Hồ nước thường chọn chỗ thung lũng hẹp để có lợi cho xây đập. Những thung lũng hẹp trong quần thể núi thường là khu vực ẩn tàng tầng đất đá bị gãy. Nếu khu vực ẩn tàng đó nằm ở tầng gãy đang hoạt động thì đó là điều kiện tự nhiên để đưa đến động đất. Thứ hai là sau khi tích nước, tầng đất đá ở đáy hồ chịu một áp suất ngày càng tăng lên, phá vỡ trạng thái cân bằng trước đây của lớp đất đá, đồng thời vì nước thẩm thấu xuống, khiến cho lực ma sát giữa các vết nứt của đất đá, hoặc giữa các hạt giảm thấp, nên chúng dễ trượt với nhau. Tầng đá dưới đáy hồ để thích nghi với trạng thái áp suất mới sau khi chứa nước thường phát sinh trượt điều chỉnh. Nếu điều chỉnh nhỏ thì động đất yếu, điều chỉnh ở quy mô lớn biểu hiện thành động đất mạnh. Vì động đất do hồ nước gây ra có liên quan với sự điều chỉnh của tầng đất đá đáy hồ, cho nên động đất có liên quan chặt chẽ với dung tích chứa nước. Nói chung động đất xảy ra sau khi hồ đã chứa nước, hơn nữa mực nước càng dâng cao thì tần số và độ mạnh của động đất cũng tăng lên. Sau đó động đất sẽ yếu dần, kéo dài thành mấy chục năm. Căn cứ quan sát thống kê những khu vực đã phát sinh động đất lớn do hồ chứa nước về sau thường không bị động đất mạnh nữa.