Vì sao không khí lạnh ra đến biển thì dần dần giảm yếu?
Không khí lạnh khí áp cao từ Xibêri xa xôi tràn đến. Khi nó tràn về phương Nam gặp không khí ấm sẽ hình thành đỉnh không khí lạnh. Không khí lạnh vừa khô vừa lạnh, còn không khí ấm thì ẩm ướt và nhẹ. Do đó ở gần đỉnh lạnh, không khí ấm và ẩm ướt bị nâng lên, trong không trung gặp lạnh ngưng kết lại dẫn đến thời tiết mưa. Vì sự chênh lệch áp suất không khí ở vùng đỉnh lạnh lớn, cho nên có gió lớn. Khi không khí lạnh ra đến biển, vì nhiệt độ mặt biển cao, độ ẩm lớn, nên phía dưới không khí lạnh giống như cả một lò ấm, khiến cho lớp không khí bên dưới biến thành ấm và có khí ẩm. Cả tầng không khí trên lạnh, dưới nóng tự nhiên sẽ không ổn định, nên sản sinh ra những luồng đối lưu lên xuống thẳng đứng: tầng dưới không khí nóng bốc lên cao, còn tầng trên không khí lạnh chìm xuống dưới. Không khí sau khi chìm xuống được mặt biển làm tăng nhiệt lại bốc lên.
Cứ như thế đối lưu không ngừng xảy ra làm cho nhiệt độ không khí lạnh ban đầu tăng cao. Hơn nữa sau khi không khí ấm bốc lên cao thì hơi nước bão hòa sẽ ngưng kết lại, đồng thời nhả nhiệt ra ngoài lại khiến cho không khí càng ấm hơn. Như vậy lớp không khí lạnh tràn đến mặt biển càng thu được nhiều nhiệt hơn. Do đó sự chênh lệch nhiệt độ của luồng không khí lạnh ban đầu với không khí ấm trên biển không còn lớn nữa, thế lực lạnh cũng giảm yếu. Mưa giảm ít, gió giảm dần, đó là các biểu hiện của hiện tượng không khí lạnh đã yếu đi. Không khí lạnh càng đi về phía đông nam thì độ ấm và độ ẩm trên mặt biển ngày càng cao cho nên cuối cùng luồng không khí lạnh đã trở thành không khí ấm hoàn toàn.