Vì sao Mặt trăng che lấp các sao?
Mặt trăng là thiên thể tự nhiên gần Trái Đất nhất. Từ Trái Đất nhìn lên ta thấy Mặt Trăng là một thiên thể có đường kính khoảng 0,5o trên bầu trời, nó chuyển động từ tây sang đông, bình quân mỗi ngày di chuyển được 13o. Khi Mặt Trăng chuyển động đến giữa Trái Đất và Mặt Trời, cả 3 nằm trên một đường thẳng thì Mặt Trăng sẽ che lấp Mặt Trời, phát sinh nhật thực. Khi Mặt Trăng che lấp những hằng tinh rất xa thì sẽ phát sinh Mặt Trăng che lấp các ngôi sao.
Từ mấy trăm năm trước, các nhà thiên văn khi quan sát Mặt Trăng che lấp sao đã phát hiện các sao bị mất đi trong một thời gian ngắn, từ đó mà suy đoán được trên Mặt Trăng không có không khí. Ngày nay thông qua những biện pháp quan trắc hiện đại, khi Mặt Trăng che lấp sao người ta nghiên cứu phát hiện thấy: ánh sáng ngôi sao bị che lấp sẽ gây ra hiện tượng nhiễu xạ ở gần bề mặt Mặt Trăng. Hiện tượng này tuy chỉ kéo dài 0,05 s nhưng dùng đồng hồ đo tốc độ nhanh của ánh sáng và máy tính hoàn toàn có thể ghi lại được. Nghiên cứu ảnh nhiễu xạ của ánh sáng sao có thể xác định được đường kính góc của hằng tinh bị Mặt Trăng che khuất, hoặc nghiên cứu được lớp khí chung quanh hằng tinh. Do đó quan trắc hiện tượng Mặt Trăng che lấp các ngôi sao không những là công việc của các nhà thiên văn, đồng thời cũng là những mục quan trắc rất thú vị của những nhà thiên văn nghiệp dư.
Ngoài Mặt Trăng che lấp các hằng tinh, còn che lấp nguồn sóng vô tuyến, nguồn tia hồng ngoại và nguồn tia X ở gần quỹ đạo của nó. Thông qua những quan trắc này có thể nhận được những kết cấu chính xác về các nguồn bức xạ này. Những năm 50 của thế kỷ XX, các nhà thiên văn đã từng căn cứ vào kết quả quan trắc nguồn sóng vô tuyến mạnh của chòm sao Kim ngưu bị Mặt Trăng che lấp, mà chứng thực được nó là di tích của ngôi sao siêu mới năm 1054.
Mặt Trăng cũng có thể che lấp hành tinh, gọi là trăng che hành tinh. Hành tinh cũng có thể che lấp hằng tinh gọi là hành tinh che lấp sao. Đó là những hiện tượng tương đối ít gặp.