Vì sao phóng tên lửa nên thuận theo hướng Trái đất tự quay?
Mọi người đều biết: vận động viên nhảy dài trước khi nhảy phải chạy một khoảng xa để lấy đà, còn vận động viên ném đĩa phải quay mấy vòng mới ném đĩa. Mục đích là lợi dụng quán tính khiến cho con người trước khi nhảy hoặc ném đĩa ra đã có tốc độ ban đầu nhất định, cho nên nhảy xa hơn hoặc ném xa hơn so với lúc đứng yên.
Nguyên lý phóng tên lửa theo phương tự quay của Trái Đất cũng giống như nhảy dài hay ném đĩa, mục đích là để con tàu có được tốc độ ban đầu. Theo nguyên lý quán tính, nếu phóng tên lửa thuận theo phương Trái Đất tự quay thì khi tên lửa rời khỏi mặt đất đã có được tốc độ ban đầu, độ lớn của tốc độ này bằng tốc độ Trái Đất tự quay.
Trái Đất quay từ tây sang đông, tốc độ thẳng của Trái Đất tự quay không phải mọi điểm đều như nhau, càng gần Nam hay Bắc Cực thì tốc độ thẳng càng chậm, càng gần xích đạo tốc độ thẳng càng nhanh. Ở tâm Nam, Bắc Cực tốc độ đó bằng 0, nhưng trên đường xích đạo tốc độ đó lớn nhất đạt 465 m/s. Muốn cho tên lửa quay quanh Trái Đất mà không bị rơi xuống thì tốc độ tên lửa phải đạt tốc độ vũ trụ cấp 1, tức 7,9 km/s, muốn cho nó bay quanh Mặt Trăng phải đạt tốc độ vũ trụ cấp hai. Muốn cho nó đạt được tốc độ như thế, đương nhiên trước hết phải nhờ vào sức đẩy của bản thân tên lửa, nhưng nếu tên lửa được phóng trên đường xích đạo thì nhờ đó mà đã có được tốc độ ban đầu 465 m/s. Cho nên sức đẩy của tên lửa ít đi một tí vấn đề cũng không lớn lắm.
Đương nhiên nếu sức đẩy của tên lửa lớn đến mức đạt yêu cầu thì không nhất định phải mượn đến tốc độ tự quay của Trái Đất. Nhưng dù sao từ góc độ khoa học và kinh tế mà xét thì phóng tên lửa thuận với phương tự quay của Trái Đất để tạo ra tốc độ ban đầu vẫn là có lợi nhất.