Bà lão ở trong thôn hàng ngày vẫn lang thang khắp nơi đi tìm người chồng đã mất của mình.
Cứ đến tầm chạng vạng tối, người già trong thôn lại tụ tập trong nhà thờ họ cùng nhau chơi bài. Cách đó không xa, có một bà lão đi từ con ngõ phía đối diện ra, miệng không ngừng lẩm bẩm: “Ông ấy đi đâu rồi? Hôm nay tôi đi tìm ông ấy mấy lượt rồi, ông ấy chạy đi đâu mất rồi?”
Bà lão bước vào trong nhà thờ họ, túm lấy một bác trai lớn tuổi, kéo tay bác ấy không buông vặn hỏi: “Ông ấy đi đâu rồi? Trời tối rồi sao còn chưa về nhà ăn cơm?”. Ban đầu tôi không chú ý cho lắm, nhưng bà cứ hỏi đi hỏi lại một câu duy nhất nên tôi lại bất giác đưa mắt qua nhìn thêm vài bận.
Tôi thấy bác trai với vẻ mặt bất đắc dĩ trả lời bà: “Ông đi làm xa rồi, Tết mới về, cụ đừng chạy lung tung, đến lúc ngã ra đấy thì làm sao! Chúng con không gánh được trách nhiệm đâu cụ ạ!”
Bác trai vừa nói vừa rút điện thoại trong túi quần ra gọi cho con trai của bà lão, bảo anh ta mau chóng tới đón mẹ về.
Bà lão vẫn chưa chịu thôi, cứ hỏi đi hỏi lại: “Sao chỉ có mình ông ấy đi làm? Không có ai khác đi cùng với ông ấy sao? Sao cậu cũng không đi?”
Bác trai cười thành tiếng, những người khác đang bận rộn đánh bài cũng phải ngừng tay, cười phụ họa theo: “Chúng con không đi được, mà cũng không thể đi, chỗ đó xa lắm, cả đời chỉ đến được 1 lần thôi cụ ạ”
Bà lão không hiểu hàm ý trong đó, cũng cười đáp: “Thế thì ông ấy được hời quá còn gì, ông ấy đi được chứng tỏ lãnh đạo người ta coi trọng ông ấy”
“Vâng vâng vâng, lãnh đạo trọng dụng bác ấy lắm, thế nên cụ mau về nhà đi, Tết rồi ông lại về” - bác trai vừa nói vừa dẫn cụ ra ngoài về nhà.
Bà lão vẫn tiếp tục lẩm bẩm: “Ông ấy đi đâu thế, sao còn chưa về nhà ăn cơm…”
Rất lâu sau đó vẫn không có ai trả lời câu hỏi của bà, bà lão thở dài khom lưng loạng choạng đi về nhà. Tấm lưng của bà trông mới nhỏ bé, thê lương và đơn bạc làm sao giữa từng cơn gió lạnh, từng chiếc lá vàng rơi xuống càng tôn thêm dáng vẻ bi thương từ tận sâu đáy lòng của người phụ nữ ấy.
Từ cuộc hội thoại của họ, tôi ít nhiều cũng hiểu đã có chuyện gì xảy ra. “Ông ấy” mà bà lão luôn miệng kiếm tìm có lẽ đã không còn nữa rồi. Thế nhưng bà cụ mắc chứng đãng trí tuổi già, đã quên hết mọi chuyện đau thương, cũng quên mất rằng người ấy đã rời xa nhân thế.
Những người già khác ở trong thôn tiếc thương cho bà, chẳng ai dám nói bà nghe sự thật, thế nên họ có thiện ý hết lần này đến lần khác dùng lời nói dối này che đậy một lời nói dối khác.
Có lẽ chính những lời nói dối thiện chí đó đã tiếp thêm cho bà cụ động lực để sống. Chỉ là từ đó về sau, bà ấy luôn luôn bất an lo sợ tìm kiếm bóng hình của chồng mình; kiên trì chờ đợi tin tức về ông trong vô số đêm thâu; cố gắng đi tìm dấu tích của ông từ mỗi nhành cây cọng cỏ, từ trong tiếng gió lạnh ùa về…
Tôi không biết làm như thế này với bà ấy liệu có đúng hay không, chỉ biết rằng tất cả mọi người đều đang cẩn thận bảo vệ lời nói dối này, không ai dám bóc trần sự thật. Nếu như bà lão biết được sự thật, với bà ấy mà nói, đây có lẽ là một đòn đả kích nặng nề.
Tôi trộm nghĩ, có lẽ người chồng bà ấy ngày đêm mong nhớ, lúc này đây cũng đang từng phút từng giây lặng lẽ ở bên cạnh bà. Dù cho cái ch*t có thể mang đi tất cả, thì chỉ cần trong lòng vẫn còn nhung nhớ, tình yêu sẽ không bao giờ bị lãng quên.