Bố của Xi-mông

Chuông báo trưa vừa dứt. Cửa trường mở, và bọn trẻ con chen lấn nhau ùa ra cho nhanh. Nhưng chúng không mau tản mát về nhà ăn trưa như mọi ngày mà còn dừng lại, cách đó vài bước, tụ tập thành nhóm, thì thào to nhỏ. Chẳng là sáng nay, Xi-mông, thằng con nhà chị Bờ – lăng – sốt lần đầu tiên đến lớp học.

Ở nhà chúng đều đã từng nghe nói đến chị Bờ – lăng – sốt; và mặc dù ngoài chốn công chúng, người ta niềm nở với chị nhưng riêng giữa các bà mẹ với nhau thì cách các bà mẹ đối đãi với chị có cái vẻ ái ngại hơi khinh miệt, điều này lan sang cả những đứa trẻ tuy chúng chẳng hiểu vì sao.

Còn về Xi-mông thì chúng không quen biết nó, vì nó không đi chơi bao giờ, và không lêu lổng với chúng ngoài đường làng hoặc trên bờ sông. Bởi vậy chúng chẳng ưa nó cho lắm; và chúng vừa thinh thích vừa hết sức ngạc nhiên đón nghe và truyền lại cho nhau câu nói của một thằng mười bốn mười lăm tuổi, thằng này xem chừng am hiểu nhiều điều vì nó cứ nhay nháy mắt một cách tinh ranh:

– Chúng mày biết chứ…thằng Xi-mông……này, nó không có bố đâu nhé.

Đến lượt thằng bé con chị Bờ – lăng – sốt xuất hiện trên thềm nhà trường. Nó độ bảy tám tuổi, hơi xanh xao, rất sạch sẽ và nhút nhát, gần như vụng dại.

Nó định về nhà thì tốp các bạn học của nó vẫn cứ thì thào vừa nhìn nó với cặp mắt ranh mãnh và tai ác của những đứa trẻ đang nghiền ngẫm một vố gì xấu, xúm quanh nó dần dần và cuối cùng thì vây hẳn lấy nó. Nó đứng ngây ra giữa bọn chúng, ngạc nhiên và lúng túng không hiểu người ta sắp làm gì mình. Nhưng cái thằng vừa đưa tin ra, hãnh diện vì đã được hoan nghênh, hỏi nó:

– Mày tên gì?

Nó trả lời:

– Xi-mông.

– Xi-mông gì? – Thằng bé kia hỏi tiếp.

Chú bé nhắc lại, hết sức bối rối:

– Xi-mông.

Thằng kia hét lên với chú:

– Người ta tên là Xi-mông gì kia….Xi-mông… thế cóc phải là tên…

Và chú, sắp phát khóc trả lời lần thứ ba:

– Tớ tên là Xi-mông.

Tụi trẻ cười. Thằng kia đắc thắng cất cao giọng:

– Chúng mày thấy rõ là nó không có bố nhé.

Tất cả lặng ngắt. Những đứa trẻ kinh ngạc vì cái điều kỳ dị, quái đản, không thể có được ấy – một thằng bé không có bố; chúng nhìn em như một hiện tượng kì quái, một sinh vật ngoài lề của tạo hoá và chúng cảm thấy lớn lên trong chúng niềm khinh bỉ – cho đến bấy giờ chưa giải thích nổi – như mẹ của chúng đối với chị Bờ – lăng – sốt.

Còn Xi-mông, em tựa mình vào một thân cây cho khỏi ngã và em như rụng rời vì một tai hoạ không phương cứu chữa. Em tìm cách bày tỏ. Nhưng em chẳng kiếm nổi điều gì để trả lời chúng nó, để cải chính cái điều ghê gớm là em không có bố. Cuối cùng, người nhợt nhạt, em kêu hú hoạ với chúng.

– Có, tao có bố.

Thằng kia hỏi:

– Bố mày đâu?

Xi-mông im bặt; em không biết. Bọn trẻ cười rất kích động; và những đứa con của ruộng đồng này, chúng gần gũi với súc vật hơn, chúng cảm thấy cái nhu cầu tàn ác thúc đẩy những con gà trong sân chăn nuôi kết liễu hẳn một con trong bầy khi con này vừa bị thương. Bỗng Xi-mông chợt thấy thằng bé hàng xóm, con một bà goá, em vẫn thấy thằng này, y như em, lúc nào cũng thui thủi một mình với mẹ. Em nói:

– Thế cả mày nữa, mày cũng không có bố.

Thằng kia đáp:

– Có chứ, tao có bố.

Xi-mông vặn:

– Bố mày đâu?

– Bố tao chết rồi. – Thằng bé kia tuyên bố hết sức tự hào. – Bố tao ở ngoài nghĩa địa ấy.

Một tiếng rì rào tán thưởng nổi lên giữa đám trẻ, dường như cái sự kiện có bố chết ở ngoài nghĩa địa đã làm cho bạn chúng lớn cao lên để đè bẹp cái thằng kia chẳng có bố gì hết. Và bọn lau nhau này, mà những người bố phần lớn đều hung ác, rượu chè, trộm cắp, và nghiệt ngã với vợ, chúng cứ chen chúc xích gần nhau thêm mãi dường như chúng, những kẻ hợp pháp muốn bóp nghẹt cái đứa ở ngoài vòng luật lệ.

Bất thình lình, một đứa ở sát Xi-mông, bỗng thè lưỡi ra một cách tinh quái và hét lên với em: “Không có bố! Không có bố!”.

Xi-mông túm lấy tóc nó bằng cả hai tay và đá liên hồi vào chân nó, trong khi nó cắn nghiến vào má chú. Có một sự vật lộn kinh khủng. Hai đấu sĩ được lôi rời nhau ra, và Xi-mông bị đánh, tơi tả, ê ẩm, lăn lóc dưới đất, ở giữa tụi trẻ đứng quây tròn, reo hò hoan hô. Thấy em vừa dậy vừa lấy tay phủi phủi một cách máy móc chiếc áo khoác nhỏ lấm bụi bê bết, một đứa nào đó hét lên bảo em:

– Về nói với bố mày ấy.

Thế là em cảm thấy trong lòng em có một sự sụp đổ ghê gớm. Chúng nó khoẻ hơn em, chúng đã đánh đập em, và em không thể nào đáp lại chúng được vì em cảm thấy rất rõ là quả thật em không có bố. Đầy kiêu hãnh, em cố tranh đấu vài giây với những giọt nước mắt làm em nghẹn thở. Em ứ lên một cái, rồi không gào thét, em khóc nấc từng hồi dài khiến người rung lên nức nở.

Thế là một niềm thích thú dữ tợn bùng lên trong các địch thủ của em, và tự nhiên, cũng như những người man rợ trong các cơn vui kinh khủng của họ, chúng nắm lấy tay nhau, vừa nhảy nhót vòng quanh em, vừa lặp lặp lại như một điệp khúc: “Không có bố! Không có bố!”.

Nhưng bất thình lình Xi-mông nín khóc. Một cơn điên khùng khiến em cuồng dại. Dưới chân em có đá; em nhặt lên và lấy hết sức mình ném vào những kẻ hành hạ em. Hai ba đứa gì đó bị ném trúng, vừa kêu vừa bỏ chạy; và trông em dữ dội đến mức những đứa khác phát hoảng. Hèn nhát, hệt như đám đông bao giờ cũng hèn nhát trước một con người phẫn nộ, chúng bỏ trốn toán loạn.

Còn lại một mình, em bé không bố chạy về phía các cánh đồng, vì em chợt nhớ lại một kỉ niệm, khiến trong óc em nảy ra một quyết định lớn. Em muốn gieo mình xuống sông cho chết đuối.

Quả thực em nhớ lại rằng cách đây tám ngày, một kẻ khốn khó vẫn đi ăn xin, đã trẫm mình ở sông vì không còn tiền. Xi-mông có mặt ở đấy lúc họ vớt bác ta lên và cái nhà bác tội nghiệp thường ngày em vẫn thấy thiểu não, bẩn thỉu và xấu xí, lúc đó đã khiến em sửng sốt vì cái vẻ anh tĩnh của bác với bộ mặt xanh tái, với chòm râu dài, ướt, và cặp mắt mở, rất bình thản. Xung quanh họ bảo: “Hắn chết rồi”. Một người nào đó nói thêm ” Bây giờ thì hắn ta thật sung sướng”. Và Xi-mông cũng muốn trẫm mình, vì em không có bố, cũng như cái bác khốn khổ kia, bác ta không có tiền.

Em đến sát bên mặt nước và nhìn nước chảy. Vài con cá lội loăng quăng, thoăn thoắt, giữa dòng nước trong, và lúc lúc lại khẽ nhẩy lên đớp những con ruồi lượn trên mặt sông. Em nín khóc để xem cá, vì em rất thích cái trò của chúng. Nhưng, thỉnh thoảng, cũng như giữa lúc bão lặng, bỗng dội lên từng cơn gió mạnh rung chuyển cây cối rồi tan đi mãi chốn chân trời, cái ý nghĩ này lại trở về với em, đau nhói: “Mình sẽ xuống sông cho chết đuối vì mình không có bố”.

Trời rất ấm, rất dễ chịu. Ánh nắng êm đềm sưởi ấm cỏ. Nước lấp lánh như gương. Và Xi-mông có những giây phút khoan khoái, có cái cảm giác uể oải thường theo sau khi khóc lóc, em rất thèm được nằm ngủ ở đây, trên mặt cỏ, dưới nắng ấm.

Một chú nhái con màu xanh lục nhảy dưới chân em. Em định bắt nó. Nó thoát được. Em đuổi theo nó và vồ hụt ba lần liền. Cuối cùng em tóm lấy hai đầu chân sau của nó và em bật cười nhìn con vật cố giẫy giụa thoát thân. Nó thu mình lại trên đôi cẳng lớn, rồi bật phắt lên, đột ngột duỗi cẳng, ngay đơ như hai thanh gỗ: trong lúc ấy, nó giương tròn con mắt có vành vàng và dùng hai chân trước đập vào khoảng không, huơ lên như hai bàn tay. Điều này khiến em nhớ đến một thứ đồ chơi làm bằng những mảnh gỗ hẹp đóng đinh chữ chi chồng lên nhau, và với động tác cũng giống như thế này, điều khiển những chú lính nhỏ cài bên trên tập tành. Thế là em nghĩ đến nhà, rồi nghĩ đến mẹ, và thấy buồn hết sức, em lại khóc. Người em rung lên; em quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ. Nhưng em không đọc được hết bài kinh, vì những cơn nức nở lại trở lại, dồn dập, xốn xang, choán ngợp lấy em. Em chẳng nghĩ nữa, em chẳng nhìn thấy gì quanh em nữa và em chỉ khóc mà thôi.

Bỗng nhiên, một bàn tay chắc nịch đặt lên vai em và một giọng to ồm ồm hỏi em:

– Có điều gì làm chú buồn phiền nhiều đến thế, chú bé?

Xi-mông quay lại. Một bác thợ cao lớn, râu tóc đen quăn, đang nhìn chú với vẻ nhân hậu. Chú trả lời, mắt đẫm lệ, giọng đầy nước mắt:

– Chúng nó đánh cháu… vì… cháu… cháu… không… có.. bố.. không có bố.

– Sao thế cháu, người đàn ông mỉm cười bảo, ai mà chẳng có bố.

Em bé nói tiếp một cách khó khăn, giữa những cơn nấc giật buồn tủi:

– Cháu… cháu không có bố.

Bác thợ bỗng nghiêm lại; bác nhận ra thằng bé con nhà chị Bờ-lăng-sốt, và mặc dù mới đến vùng này, bác cũng đã mong manh biết chuyện chị. Bác nói:

– Thôi nào, nguôi đi nào, cháu bé, rồi đi với chú về nhà mẹ. Người ta sẽ cho cháu… một ông bố.

Họ lên đường, người lớn dắt tay người bé, và bác đàn ông lại mỉm cười, vì bác chẳng hề phật ý đến gặp chị Bờ-lăng-sốt, nghe đồn chị là một trong những cô gái đẹp nhất vùng; và trong thâm tâm bác cũng tự nhủ thầm rằng một tuổi xuân đã lầm lỡ rất có thể lầm lỡ lần nữa.

Họ đến trước một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ.

Đứa trẻ nói:

– Đây rồi. – Và em gọi to: – Mẹ ơi!

Một thiếu phụ xuất hiện, và người thợ bỗng tắt nụ cười, vì bác hiểu ra ngay là không bỡn cợt được nữa với cô gái cao lớn, xanh xao, đứng nghiêm nghị trước cửa nhà mình, như muốn cấm đàn ông bước lên thềm ngôi nhà nơi cô đã bị một kẻ khác lừa dối. E dè, bỏ mũ cầm tay, bác ấp úng:

– Đây, thưa bà, tôi dắt về trả bà cháu bé bị lạc ở gần sông.

Nhưng Xi-mông nhảy lên ôm lấy cổ mẹ và vừa nói với mẹ vừa khóc trở lại:

– Không, mẹ ạ, con muốn xuông sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con.. đánh con.. tại con không có bố.

Hai má thiếu phụ đỏ ửng, và, tê tái đến tận xương tuỷ, chị ôm con hôn lấy hôn để, trong khi nước mắt lã chã tuôn rơi. Người đàn ông xúc động vẫn đứng đó, không biết bỏ đi như thế nào cho phải. Nhưng Xi-mông bỗng chạy đến bên bác, nói với bác:

– Chú có muốn làm bố cháu không?

Im bặt như tờ. Chị Bờ-lăng-sốt, lặng ngắt và quằn quại vì hổ thẹn, dựa người vào tường, hai tay ôm ngực. Thấy người ta không trả lời mình, em bé nói tiếp:

– Nếu chú không muốn, cháu quay trở lại sông cho chết đuối.

Bác thợ coi như chuyện đùa, và cười đáp:

– Có chứ, chú có muốn.

Em bé liền hỏi:

– Thế chú tên gì, để cháu trả lời chúng nó khi chúng nó muốn biết tên chú.

– Philip. – Người đàn ông đáp.

Xi-mông im lặng một giây, để ghi nhớ cái tên ấy trong óc, rồi, hoàn toàn khuây khoả, em chìa hai tay nói:

– Thế nhé! Chú Philip, chú là bố cháu đấy.

Bác thợ nhấc bổng em lên, đột ngột hôn vào hai má em, rồi sải từng bước dài, rút lui rất nhanh.

Ngày hôm sau, khi em bé đến trường, một tràng cười ác ý đón em; và lúc tan học, khi thằng kia muốn lặp lại chuyện cũ, Xi-mông ném vào mặt nó những lời này, như ném một hòn đá:

– Bố tao ấy, bố tao tên là Philip.

Tứ phía bật lên những tiếng la hét thích thú:

– Philip gì?… Philip nào?… Philip là cái gì?… Mày lấy ở đâu ra Philip của mày thế?

Xi-mông không trả lời gì hết; và một mực tin tưởng sắt đá, em đưa mắt thách thức chúng, sẵn sàng chịu hành hạ, còn hơn là trốn chạy chúng. Thầy giáo giải thoát cho em và em trở về nhà mẹ.

Suốt ba tháng ròng, bác thợ Philip cao lớn thường tạt qua gần nhà chị Bờ-lăng-sốt, và đôi khi, bác đánh bạo nói chuyện với chị, khi thấy chị ngồi khâu bên cửa sổ. Chị trả lời bác nhã nhặn, lúc nào cũng nghiêm trang, chẳng bao giờ cười với bác và không để cho bác vào nhà. Tuy nhiên, cũng hợm mình đôi chút như mọi người đàn ông, bác cứ tưởng tượng rằng chị hay đỏ mặt hơn thường lệ, mỗi khi trò chuyện với bác.

Nhưng một thanh danh đã bị mai một thật khó mà gây dựng lại, và cũng rất đỗi mong manh, đến mức, mặc dù chị Bờ-lăng-sốt ngại ngùng gìn giữ, trong vùng đã thấy đồn đại.

Còn về Xi-mông thì em thấy rất yêu ông bố mới của em và hầu như chiều nào, xong việc, em cũng đi chơi với bố. Em đến trường đều đặn và đi qua giữa các bạn học, hết sức đàng hoàng, không bao giờ đáp lại chúng.

Thế mà, một hôm, cái thằng đã tấn công em đầu tiên, bảo với em:

– Mày nói dối, mày chẳng có bố tên là Philip.

Sao lại thế? Xi-mông rất xúc động hỏi

Thằng kia xoa hai tay vào nhau. Nó tiếp:

– Bởi vì nếu mày có bố, thì ông ấy phải là chồng của mẹ mày.

Xi-mông mất bình tĩnh trước tính chính xác của lập luận ấy, tuy vậy em vẫn trả lời:

– Nhưng cứ là bố của tớ.

Thằng kia cười khẩy mà bảo:

– Có thể lắm, nhưng không phải là bố của mày hẳn hoi.

Chú bé con chị Bờ-lăng-sốt cúi đầu xuống và vừa mơ màng vừa đi về phía lò rèn cụ Loadông, nơi bác Philip làm việc.

Cái lò rèn này như ẩn dưới bóng cây. Bên trong rất tối; chỉ có ánh lửa đỏ của một cái lò cực lớn bập bùng chiếu sáng năm bác thợ rèn để cánh tay trần đang nện xuống đe ầm ầm dữ dội. Họ đứng, hừng ánh sáng đỏ như quỷ thần, mắt nhìn chăm chăm vào thanh sắt nóng bỏng mình đang khảo đả; và niềm suy tưởng nặng nề của họ lên xuống theo nhịp búa.

Xi-mông vào, không ai trông thấy, và em rón rén kéo áo bác. Bác quay lại. Công việc bỗng dừng, cả mấy người đàn ông cùng nhìn, hết sức chăm chú. Thế là, giữa sự yên lặng bất thường đó, cất lên giọng nói nhỏ nhẻ của Xi-mông:

– Bố Philip này, lúc nãy thằng con bác Misốt bảo con rằng bố không phải là bố của con hẳn hoi.

Bác thợ hỏi:

– Sao lại thế?

Chú bé trả lời với tất cả sự ngây thơ của chú:

– Vì bố không phải là chồng của mẹ.

Không ai cười hết. Philíp vẫn đứng, trán úp vào mu những bàn tay to lớn tì ở cán búa dựng ở trên đe. Bác mơ màng. Bốn người bạn nhìn bác, và bé tí xíu giữa những người khổng lồ này, Xi-mông lo lắng chờ đợi. Đột nhiên một bác thợ rèn, đáp ứng ý nghĩ của tất cả mọi người nói với Philip:

– Dù thế nào, Bờ-lăng-sốt vẫn là một cô gái tốt bụng, trung hậu, và mặc dầu gặp chuyện không hay vẫn can đảm nền nếp, cô ấy sẽ là một người vợ xứng đáng, với một người đàn ông tử tế.

– Đúng như vậy. Ba người kia nói.

Bác thợ tiếp:

– Cái cô gái ấy, nếu có lầm lỡ, thì lỗi ở cô ta chăng? Họ hứa sẽ cưới cô, và tôi biết khối bà khác giờ đây rất được trọng vọng, cũng đã từng làm như thế.

– Đúng như vậy. Ba người đàn ông đồng thanh đáp.

Bác lại tiếp:

– Tội nghiệp, cô ta đã vất vả biết bao nhiêu để một mình nuôi dạy con, và đã khóc biết bao nhiêu từ cái ngày chỉ bước ra khỏi nhà để đến nhà thờ, những điều ấy riêng có Chúa biết mà thôi.

– Cũng lại đúng như vậy. Những người khác nói.

Thế là người ta chỉ còn nghe thấy tiếng bễ thổi lửa trong lò. Philip bỗng đột ngột cúi xuống với Xi-mông:

– Về bảo mẹ là tối nay bố sẽ đến nói chuyện với mẹ.

Rồi bác nắm vai em bé đẩy ra ngoài.

Bác trở lại công việc, và năm lưỡi búa nện xuống đe cùng một nhát đập. Họ cứ rèn sắt như vậy cho đến tối, mạnh mẽ, tươi vui, cũng như những lưỡi búa hài lòng thoả mãn. Và, giống quả chuông lớn tiếng trầm của một ngôi nhà thờ, trong các ngày lễ, vang dội lên trên tiếng reo của những quả chuông khác, lưỡi búa của Philip cũng vậy, nó át tiếng ầm ầm của những lưỡi búa khác, và cứ từng giây từng giây lại giáng xuống rộn ràng, inh ỏi. Và bác, mắt sáng rực, đứng giữa các tia lửa, rèn rất say sưa.

Trời đầy sao khi bác đến gõ cửa nhà chị Bờ-lăng-sốt. Bác mặc áo khoác ngày chủ nhật, sơ mi mới, và râu tóc đã sửa sang. Thiếu phụ bước ra thềm và bảo bác, vẻ phiền muộn:

– Ông Philip, ông đến lúc đêm hôm như thế này thực là không phải.

Bác muốn trả lời, bác ấp úng, và bối rối đứng trước chị. Chị tiếp:

– Mà ông cũng đã biết rằng không nên để người ta bàn tán về tôi nữa.

Thế là bác nói, hết sức đột ngột:

– Thì có làm sao đâu, nếu em ưng làm vợ tôi!

Không ai trả lời bác, nhưng bác cứ tưởng như trong bóng tối căn phòng, có tiếng người gục xuống. Bác bước vào thật nhanh; và Xi-mông nằm trong giường, nghe thấy tiếng hôn và mấy lời mẹ em thì thầm rất khẽ. Rồi, đột nhiên, em thấy mình được bế bổng lên trong tay bác và bác giơ thẳng em trên hai cánh tay hộ pháp, hét bảo em:

– Con sẽ nói với các bạn học của con rằng bố con là Philip Rêmy, bác thợ rèn, và bố sẽ kéo tai tất cả những đứa nào bắt nạt con.

Ngày hôm sau, thấy trường đã đông chật và giờ học sắp sửa bắt đầu, bé Xi-mông đứng dậy, mặt tái nhợt, môi run run: “Bố tớ ấy, em nói rành rọt, bố tớ là Philip Rêmy, bác thợ rèn, và bố tớ hứa sẽ kéo tai tất cả những đứa nào bắt nạt tớ”.

Lần này, chẳng người nào cười nữa, vì cái nhà bác Philip Rêmy, thợ rèn, thì biết rõ lắm rồi, và đấy thật là một ông bố, mà ai có được cũng phải lấy làm tự hào.

Đôi guốc bỏ quên

Sáng nay cu Việt kêu mệt. Mẹ sờ trán con. Ừ, quả thực đầu Việt có hâm hấp nóng. Mẹ nói với bố đi ngang qua trường xin phép cho cu Việt nghỉ học ngày hôm nay. Đắp chăn cẩn thận và dặn dò con xong, bố mẹ sửa soạn đi làm.

Cây phượng già

Tối thứ bảy, trăng sáng vằng vặc. Như thường lệ, lủ trẻ xóm Đông lại tụ tập ở gốc phượng già đầu xóm để nô đùa. Hơn bảy giờ, cả hội đã đủ mặt, chỉ thiếu Hùng.

Hai em bé trong rừng rậm

CÓ HAI EM BÉ, một  trai và một gái, đang đến trường. Chúng phải đi qua một khu rừng rậm và đẹp. Trên đường thì nóng và bụi, nhưng trong rừng lại mát và vui.

Bài tập làm văn

Có lần, cô giáo ra cho chúng tôi một đề văn ở lớp: “Em đã làm gì để giúp đỡ mẹ?’’

Chàng nô lệ An-rốc-cơ và sư tử

Một chàng nô lệ tên là An-rốc-cơ có một lần thoát khỏi tay chủ, bỏ trốn vào rừng sâu. Khi đang lang thang thì An-rốc-cơ bắt gặp một con sư tử đang nằm rên rỉ dưới gốc cây.

Làm việc thật là vui

Quanh ta, mọi người đều làm việc. Cái đồng hồ tích tắc báo phút, báo giờ. Con gà trống gáy vang ò … ó … o, báo cho mọi người biết trời sắp sáng, mau mau thức dậy.

Gấu con bị sâu răng

Trong rừng có một chú Gấu con rất thích của ngọt. Mật ong, bánh gatô, các loại kẹo, chú ăn bao nhiêu cũng chẳng chán. Gấu con nhai kẹo suốt ngày. Nhiều hôm đi ngủ rồi mồm vẫn còn ngậm kẹo...

Archimedes giữ thành Syracuse

Vào khoảng đầu thế kỉ thứ III trước công nguyên thành Syracuse, quê hương của nhà bác học thiên tài Archimedes bị quân La Mã lăm le xâm lược.

Anh hùng Kim Đồng

Anh hùng Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1928, dân tộc Nùng, tại bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Khi hy sinh, Kim Đồng là đội trưởng Đội Nhi đồng Cứu quốc...