Bữa tiệc trong rừng

Mùa thu đã về, bầu trời trong vắt, không một gợn mây. Không khí trong sạch, thơm ngát mùi hoa dại. Các con vật và chim muông trong rừng vui hẳn lên. Chúng rủ nhau mở hội mừng mùa quả chín. Sóc Nâu và Chim Bồ Câu Núi được giao việc đi báo với các bạn. Chúng hẹn với nhau rằng mỗi người đến dự hội đều phải mang theo những thức ăn ngon nhất để góp vào bữa liên hoan.

Sóc Nâu vốn nhanh nhẩu, liền phóc đi tìm các bạn nhà thú. Được tin có hội vui, Hươu Sao, Nhím Cheo Cheo, Vượn Trắng liền vui vẻ vào rừng tìm về những quả đào chín hồng, quả vả rừng thơm mọng, quả vải chứa đầy mật ngọt. Chúng còn mang thêm cả mật ong và nước hoa quả đi góp cho bữa tiệc thêm đầy đủ.

Bồ Câu Núi cũng bay đến nhà các bạn chim. Đang mải lặn ngụp trên hồ, nghe Bồ Câu Núi bảo, Vịt Giời nghĩ bụng: “Mình còn bận tắm thế này, có lúc nào đi tìm thóc tươi được. Thôi, cứ tuốt lấy ít hạt cỏ vực ở ven hồ mang đến. Các bạn chắc đều mang thóc, lẫn ít hạt cỏ vực cũng chẳng sao”.

Trong lúc ấy, Bồ Câu Núi đến nhà Chim Ri. Cậu ta vừa nhảy nhót vừa lẩm bẩm: “Mình nhỏ thế này có ăn là mấy, chi bằng còn ít hạt kê từ mùa trước, mình mang đi vậy. Các bạn chắc đều mang thóc, lẫn ít hạt kê cũng chẳng sao”. Nghĩ thế, Chim Ri liền đi sắp sẵn một túi hạt kê đã mốc xanh lên.

Ở nhà Chim Ri ra, Bồ Câu Núi liền tìm Gà Rừng. Gặp được cô bạn ấy thật là khó, nhà cửa lúc nào cũng bừa bãi mà chẳng biết cô ấy ở đâu. Gọi mãi mới thấy Gà Rừng chạy về. Chờ khi Bồ Câu Núi đã bay xa, Gà Rừng cười quang quác, chân bới vung cả đất lên: “Gớm, vẽ chuyện. Lấy đâu ra thóc tươi bây giờ. Mùa này đang sẵn hạt nứa, ta mang một ít vậy. Các bạn chắc đều mang thóc. Lẫn ít hạt nứa cũng chẳng sao”.

Bay hết một vòng quanh rừng thì trời đã chiều. Bồ Câu Núi về nhà liền ra ngay bờ suối. Ngắm nghía chán chê, cô bạn mới nghĩ đến việc tìm thóc góp vào bữa tiệc tối nay. Chà, gay go thật! Tìm đâu ra thóc bây giờ. Bồ Câu Núi chợt nhớ đến nắm thóc lép bỏ đã lâu trong hang đá. “Mình đã có công đi báo tin mà cũng phải mang thóc tươi như họ à?”. Bồ Câu Núi càu nhàu: “Thôi, cứ mang ít thóc này đi vậy. Các bạn chắc đều mang thóc, lẫn ít hạt lép cũng chẳng sao”.

Tối hôm ấy, các con thú và chim muông trong rừng tụ tập rất đông trên bãi cỏ xanh mượt ven hồ nước giữa rừng. Chúng nhảy múa, ca hát đến khi trăng sắp lặn, bụng ai cũng đói mềm, mới quây quần quanh bàn ăn.

– Nào, mời các bạn! – Các bạn thú liền chén những quả rừng thơm ngọt và uống mật ong thỏa sức.

– Nào, mời các bạn! – Các bạn họ nhà chim cũng sục vào đĩa thức ăn đã trộn thật đều.

Vừa táp được một mỏ, Vịt Giời đã sặc sụa.

– Cạc! Cạc! ngon quá! – Nó nhướn cả cổ lên cố nuốt trôi mấy hạt nứa cứng như đá.

– Cục! Cục! Ngon tuyệt! – Gà Rừng đỏ mặt, ho văng cả kê mốc ra bãi cỏ.

–  Tờ ri! Tờ ri!…Tích, tích! – Chim Ri cuống cuồng vì hạt thóc lép mắc nganh họng – Ngon thật! Ngon thật!

– Cúc cù… rù! Cù… rù! – Bồ Câu Núi bạnh cổ nuốt hạt cỏ vực – Ngon ghê!

Chúng đành cố ăn cho hết đĩa thức ăn, không con nào dám ngẩng lên nhìn nhau…

Nếp sống giản dị của Bác Hồ

Ở cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống rất giản dị. Bác không muốn Chính phủ dành một sự ưu đãi nào cho riêng mình.

Ốc Sên giành giải đặc biệt

Cứ ba năm một lần, trong khu rừng lại tổ chức một cuộc thi chạy, cuộc thi năm nay đã là lần thứ bảy rồi đấy. Các động vật trong khu rừng đều tham gia thi chạy nên không khí cạnh tranh rất sôi nổi...

Chàng nô lệ An-rốc-cơ và sư tử

Một chàng nô lệ tên là An-rốc-cơ có một lần thoát khỏi tay chủ, bỏ trốn vào rừng sâu. Khi đang lang thang thì An-rốc-cơ bắt gặp một con sư tử đang nằm rên rỉ dưới gốc cây.

Chiếc đồng hồ

Năm 1954, các cán bộ đang dự hội nghị tổng kết ở Bắc Giang thì có lệnh Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Nhất là những người quê Hà Nội.

Luôn nghĩ đến miền Nam

Đầu năm 1969, một chị cán bộ miền Nam ra Bắc được gặp Bác Hồ.

Bó hoa đặc biệt

Vào mùa đông lạnh giá, bà nội của Chuột chũi bị ốm, phải nằm nghỉ trên giường. Bà nội nhìn ra bãi cỏ khô héo phía ngoài cửa sổ và nói: “Bà nhớ những bông hoa tươi trên bãi cỏ ngày nào quá!”...

Cu Tỏn

Con rạch Cái Gia khá rộng, nước từ sông chảy vào ra cùng hai buổi lớn, ròng. Cứ mỗi năm nghỉ hè, thằng Bách lại về đây chơi suốt một tháng.

Lu-i Pa-xtơ và em bé

Năm 1885, một sự kiện đáng ghi vào lịch sử nhân loại : Em bé Giô-dép Mây-xte, chín tuổi, bị chó dại cắn, được mẹ em đưa từ vùng quê An-dát xa xôi đến thủ đô Pa-ri nhờ Lu-i Pa-xtơ cứu chữa.

Lời bác giữ kho

Thường ngày, Dạ Dày là một bác giữ kho làm việc giỏi. Kho của bác không bao giờ giữ lại lâu một thứ gì. Bác thường dặn cậu Mồm: Bất cứ làm việc gì cũng phải có kế hoạch. Ăn cũng thế, phải điều độ.