Cái trống của Sóc

Sóc có một cái trống rất to, rất đẹp. Nhưng không vì thế mà Sóc giữ trống chơi một mình. Vào những đêm sáng trăng, Sóc mang trống ra đánh. Mọi vật trong rừng chạy đến, cùng nhảy múa, ca hát theo tiếng trống nhịp nhàng. Nhưng Báo vừa ích kỷ, vừa tham lam, đã dùng sức mạnh cướp trống của Sóc chơi một mình. Thật là tức. Báo vừa mạnh, vừa hung. Làm thế nào để lấy lại trống cho Sóc bây giờ! Thế là mọi con vật trong rừng họp nhau lại bàn bạc.

Voi là người đầu tiên xung phong đi đòi trống. Nhưng Voi không thắng nổi Báo. Gấu lên đường, nhưng cũng phải về không.

Trăng rằm đẹp quá, nhưng mọi vật đều buồn thỉu buồn thiu. Thấy thế, Rùa bèn xin đi lấy trống. Sóc can ngay:

– Ôi! Bạn Rùa, sao bạn liều thế? Voi và Gấu đâu có phải là kém, đã không lấy lại trống được mà còn suýt bỏ mạng. Bạn liều như thế không nên đâu.

– Đừng lo cho tôi. Tôi đã có cách. Thế nào tôi cũng đem được trống về.

Nói xong, Rùa ra đi.

Vừa trông thấy Rùa, Báo thét lên:

– À! Con Rùa ngu xuẩn. Mày định đến đây đòi trống cho Sóc đấy à? Khôn hồn thì xéo ngay đi!

– Không phải đâu. – Rùa bình tĩnh trả lời – Tôi nghe người ta nói cái trống của ông Báo còn nhỏ lắm nên tôi đến xem có thật như thế không?

– Cái trống này mà không to à?

Rùa lắc đầu tỏ vẻ không tin:

– Nó không to đâu. Nếu ông Báo chui vào nằm gọn được trong trống thì trống mới thật là to.

– Được, ta sẽ cho mi xem ta có nằm gọn được trong trống không. Mi hãy giương to mắt ra mà nhìn.

Nói xong, Báo lách qua mặt trống chui vào trong tang.

– To gì mà to! Vẫn còn thò hai chân sau kìa.

Báo cố thu mình bỏ luôn hai chân sau vào.

– Còn cái đuôi vẫn thò ra đấy.

Báo lại cố hết sức cong người cho đuôi vào.

Rùa chỉ chờ có thế. Lập tức, Rùa chạy lại, bịt mặt trống và đóng bồi thêm mấy chiếc đinh thật chắc. Xong, Rùa ung dung lăn trống về.

Thấy Rùa lăn trống về, mọi con vật đều nhao nhao lên:

– Hoan hô Rùa!

– Rùa thật đáng thưởng!

– Còn Báo đâu?

Rùa trả lời:

– Báo ở trong trống đấy.

– À, mở trống ra! Phải cho nó một trận đòn nên thân để nó chừa cái thói ăn cướp ấy đi.

Mặt trống được tháo ra. Báo vừa sợ, vừa nhục, vừa đi giật lùi, vừa kêu khóc xin tha tội. Chẳng may, Báo bước lùi vào đống lửa. Lưng Báo cháy khét lẹt. Từ đấy, trên mình Báo cứ lốm đốm những mảng lông cháy đen.

Còn Rùa được thưởng một bộ áo giáp thật cứng, thật chắc. Từ đó Rùa chẳng bao giờ đánh mất chiếc mai đẹp ấy cả.

Những đứa trẻ lười biếng

Mùa đông lạnh giá đã đến, phải ở nhà một mình, Thỏ con cảm thấy rất buồn chán. Đúng rồi, mình phải đi tìm bạn mới được - Thỏ con thầm nghĩ...

Ai can đảm?

Bây giờ thì mình không sợ gì hết! Hùng vừa nói vừa giơ khẩu súng lục bằng nhựa ra khoe.

Ăn "mầm đá"

Tương truyền vào thời vua Lê - chúa Trịnh có ông Trạng Quỳnh là người rất thông minh. Trạng thường dùng lối nói hài hước hoặc những cách độc đáo để châm biếm thói xấu của vua chúa, quan lại và bênh vực dân lành.

Én con và chiếc lá

Mùa thu sắp qua đi. Mùa đông sắp đến. Trên một ngọn cây cao, Én con cứ rúc rúc đầu vào tổ rồi lại nhìn ra ngoài trời...

Bố của Xi-mông

Chuông báo trưa vừa dứt. Cửa trường mở, và bọn trẻ con chen lấn nhau ùa ra cho nhanh. Nhưng chúng không mau tản mát về nhà ăn trưa như mọi ngày mà còn dừng lại, cách đó vài bước, tụ tập thành nhóm, thì thào to nhỏ.

Tiếng kêu cứu

Bác Gấu bứt quả trên cây, mấy người thợ săn tới. Đàn Gà Rừng, trước khi bay, còn “quác, quác, quác” báo hiệu, bác Gấu chạy thoát.

Nhím con và ngôi nhà bí đỏ

Sau cơn mưa, Nhím con phát hiện trên bãi cỏ có một quả bí đỏ to ơi là to. Nó đi vòng quanh quả bí và sung sướng cười phá lên, “Cuối cùng mình cũng có nhà mới rồi!” Thế rồi Nhím con đẩy quả bí đỏ đến dưới một gốc cây...

Bác mái mơ và đàn con

Bác Mái Mơ dẫn đàn con ra vườn kiếm ăn. Được ra vườn, đàn gà con túa ra khắp các bụi chuối, các khóm dong riềng, các gốc cây...

Trong quán ăn "Ba cá bống"

Bu-ra-ti-nô là một chú bé bằng gỗ. Chú có cái mũi rất dài. Chú người gỗ được bác rùa tốt bụng Toóc-ti-la tặng cho chiếc chìa khóa vàng để mở một kho báu.