Cây gạo cõng mặt trời

Dòng sông nhỏ chảy qua làm cánh đồng lúa bị tách làm đôi. Đường tách ấy, mùa hè nhuốm màu tím ngát của hoa bèo, mùa thu chuyển màu nước xanh biếc mây trời, mùa đông soi bóng những mảng lá vàng. Đến mùa xuân, tháng 3, đỏ rực như được thắp hoa đăng. Đó là khi cây gạo già trổ hoa đứng bên cây cầu đá có chín nhịp đá xanh trầm tĩnh. Buổi sáng, đứng dưới cánh đồng xa xa nhìn sang, cây gạo như đang cong lưng cõng mặt trời. Khi ấy, cây gạo phát ra muôn vàn ánh sáng lấp lánh hắt xuống dòng sông, rọi khắp mấy cánh đồng. Chim nhẹ cánh bay từng đàn đuổi theo mặt trời. Trên đồng, những giọt sương căng mình trượt nhanh trên mắt lá. Lúa thêm xanh thẫm, lá vươn lên trong nắng, gió đu đưa vài chiếc lưới tơ nhện mới chăng như chao võng.

Ở một chiếc lưới có những sợi tơ vừa chăng còn trong suốt như sương, chú Nhện Hoa đứng trên một sợi tơ chính chắc như dây cáp nhìn mê mải về phía cây gạo đang cõng cho mặt trời bay lên.

- Bao giờ thì mình lên tới chỗ cây gạo cõng mặt trời kia nhỉ?

Nhện Xám, anh trai Nhện Hoa đáp:

- Anh em mình sẽ cùng lên chỗ cây gạo cõng mặt trời đó nhé.

Quay sang bên cạnh, thấy bạn Nhện Nâu hàng xóm đang thư thái nằm khểnh giữa lưới vừa mới chăng hát nghêu ngao, Nhện Hoa rủ:

- Bạn có đi tới chỗ cây gạo cõng mặt trời với anh em tôi không? Chỗ đó mới đẹp làm sao!

- Đi đến đó bằng đi lên trời.

- Chúng tớ sẽ đi.

Sáng hôm sau, hai anh em cùng nhau mắc dây lưới trên các lá lúa để ra tới bờ mương. Đến chiều tối, cả hai đi tới một bụi cây cỏ tranh lá nhọn như kiếm đứng ở đầu bờ. Đó sẽ là một trụ đỡ đưa anh em nhện lên cao để vượt mương sang bên kia, phải mắc được một dây tơ chính dẻo dai, cứng cáp như dây cáp trên cột điện để qua mương. Cả buổi chiều tối hôm ấy, hai anh em nhện dừng lại giăng lưới bắt mồi là ruồi, muỗi… ăn để cho chân khỏe, chắc bụng, mai nhả nhiều tơ. Bóng tối ập xuống, hai anh em bèn ngủ sớm lấy sức mai vượt mương.

Hai anh em thức dậy. Nhìn lên, cây gạo đang tỏa ra những luồng sáng lấp lánh. Nhện Xám đứng trên ngọn cỏ tranh, hít thở mạnh để lấy sức guồng cho cỗ máy quay tơ trong bụng mình chạy hết công suất mong có một luồng tơ dài nhất. Luồng gió nam vừa thổi tới, Nhện Xám nhả tơ. Tơ tuôn ra, Nhện Xám giương mấy chân gần dưới bụng kéo tơ thật nhanh cho luồng tơ bay theo chiều gió. Bỗng Nhện Xám phát hiện ra có một sợi tơ không kéo nổi, thì ra sợi tơ đó đã theo gió mắc vào ngọn cỏ tranh bên kia mương.

Nhện Xám kéo thêm những sợi tơ còn lại, chúng bay quấn lên nhau như chắp thừng. Thế là cáp treo đã được bắc. Nhện Hoa đi sang trước, Nhện Xám đi sau. Đi qua giữa cầu, chợt có cơn gió mạnh thổi tới, một chiếc lá đa bay trong gió lao thẳng vào người Nhện Xám khiến Nhện Xám trượt chân ra khỏi dây cáp treo, mất đà, ngã nhào xuống mương. Dây tơ Nhện Xám vừa nhả vội mắc trên dây cáp, treo Nhện Xám lơ lửng. Nhện Hoa vội nhả tơ, đu xuống kéo Nhện Xám lên. Dưới mương, lũ cá, cua vẫn há miệng vẻ thèm thuồng.

Mỗi lúc, hai anh em càng gần với cây gạo hơn.

Hai hôm di chuyển men theo những ngọn thèn đen, tre dại, lau cỏ dọc bờ mương, Nhện Xám và Nhện Hoa đến bên này cây cầu đá lúc trời chạng vạng tối, hai anh em vào lều quán ẩn dưới tàng trứng cá nghỉ chân.

Đêm, nhìn sang bên kia cầu, thấy bóng cây gạo sừng sững xanh thẫm giữa trời, chiếc lưng cong như vầng trăng khuyết. Đêm nay, sông thành một dải lụa mềm màu sáng bạc.

Buổi sáng, khi mặt trời đang đậu xuống cây gạo thì hai anh em bắt đầu chặng đường vượt cầu.

Nhện Hoa nhanh nhẹn đi trước. Nhưng vừa ló ra khỏi hai bức tường lều quán đã bị một mụ Tò Vò lao đến, cắp mang đi. Bay về tổ làm dưới trụ cầu, mụ bổ một nhát vào Nhện Hoa. Người Nhện Hoa tê dại đi, mắt dần đờ đẫn. Mụ quẳng Nhện Hoa vào sâu trong tổ, rồi vội vã bay đi tìm đất sét để bịt miệng lỗ.

Lại nói Nhện Xám. Nhện Xám quay ra không thấy em đâu, chỉ thấy mấy sợi tơ ngắn đứt đoạn của Nhện Hoa, hốt hoảng gọi tìm. Bầy ong làm tổ trên cành trứng cá nhao nhao:
- Bị tò vò bắt nhốt tổ rồi. Tổ dưới gầm cầu ấy.

Một bạn ong vén lớp áo cánh hoa ra rút cái gói nhỏ xíu đưa cho Nhện Xám. Nhện Xám cúi xin, cảm ơn, rồi cứ sát gầm cầu mà đi, lúc đi bộ, lúc căng cáp. Đến trụ cầu thứ tư Nhện Xám đã tìm thấy tổ tò vò. Nhện Xám chui vào, thấy em đang nằm thoi thóp thì vực dậy:

- Em bị làm sao thế này?

Nhện Hoa gượng mở mắt, giọng lào thào lên đằng mũi:

- Anh chạy đi. Mụ ta nguy hiểm lắm.

- Anh sẽ đưa em đi cùng. Chúng ta đã hẹn cùng đi lên cây gạo cõng mặt trời.

Nhện Xám cho Nhện Hoa uống thuốc giải độc mà bạn ong cho. Thuốc chảy trong họng, lan đi khắp nơi. Nhện Hoa thấy bớt buồn ngủ, những cái chân đã cử động được. Hai anh em chưa kịp vui mừng thì ngoài cửa có tiếng đập cánh của mụ Tò Vò. Nhện Xám thì thầm vào tai Nhện Hoa.

Mụ Tò Vò chui vào hang, cười khoái chí:

- Đợi ta đẻ trứng xong, sẽ lấp lỗ. Ngươi ở đây làm mồi nuôi con ta lớn lên. Ha ha.

Mặt mụ đỏ phừng, ưỡn bụng tiến lại gần chỗ Nhện Hoa. Chợt mụ vấp vào dây tơ trong suốt vừa phóng ra từ góc khuất, mụ bị ngã bổ chửng. Liên tiếp nhiều dây tơ nhện phóng ra quấn lấy người mụ Tò Vò như trói chặt.

Trước khi cõng Nhện Hoa rời khỏi tổ, Nhện Xám không quên lấy chỗ đất sét mụ Tò Vò vừa tha về bịt miệng lỗ. Cho mụ ở đó đẻ trứng mà tự nuôi lũ con của mình.

Đêm ấy, ôm nhau ngủ dưới trụ cầu thứ bảy, hai anh em lại nhìn thấy trăng bay xuống sông đắm mình trong dòng nước mát.

Sáng ra, tới được trụ cầu cuối cùng, hai anh em đu lên một chiếc rễ gạo buông xuống mé sông, cứ theo đó đi lên. Cây gạo xòe rộng hơn những tán lá. Thân cây cong cong sần sùi, có những mắt lồi, lõm. Ở một hốc mắt lõm sâu hun hút, mấy chú bọ cánh cứng thò đầu ra làm quen:

- Xin chào. Bọn tớ sống trong cây gạo này.

- Xin chào.

Lên cao nữa, thì gặp mấy bạn ong mải bay tới bông hoa gạo đang nở. Nhện Xám gọi với theo:

- Cảm ơn các bạn đã cho thuốc quý.

Bầy ong cười rúc rích:

- Tổ của bọn tôi ở dưới tầng lá thứ hai. Có lẽ những người anh em chúng tôi đã giúp hai cậu đấy.

Hai anh em leo lên tán cây gạo cao nhất. Chỗ chạc ba này nhỏ hơn nhưng cũng đủ rộng cho hai anh em ôm lấy nhau mà nhảy quýnh lên vì sung sướng. Cả hai ngửa cổ lên ngắm, đã thấy mặt trời được cây gạo cõng lên ở ngay trên đầu. Những tán lá biết biến đổi màu sắc, rung rinh. Mặt trời nở nụ cười rực rỡ. Nhện Xám và Nhện Hoa tưởng như có thể kiễng chân, giơ tay với là chạm tới mặt trời. Từ ngọn cây gạo, mặt trời nhún mình lấy đà, bay vút lên. Muôn mảng ánh sáng vỡ ra. Những lấp lánh rơi qua kẽ lá, rơi lên mắt hai anh em. Chói lóa. Dòng sông lấp loáng ánh vàng, ánh bạc. Hoa gạo đang thắp lửa hồng cháy tận dưới đáy sông. Dưới ấy, Nhện Xám, Nhện Hoa chợt nhìn thấy bóng mình trên một tán cây gạo cao vút, hai bóng nhỏ như đôi dấu chấm nâu rung rinh trên nền lá xanh xen lẫn những bông hoa gạo đang cháy đỏ rực.

Ong và Rùa

Buổi sáng, ông Mặt Trời như chiếc mâm lửa từ từ nhô lên ở phía đằng đông.

Tôi lại có gia đình

Câu chuyện kể về cuộc đời lưu lạc của chú bé Rê-mi. Bị bắt cóc và vứt ra lề đường từ lúc mới sinh, Rê-mi được một gia đình nghèo nuôi, rồi được chủ một gánh xiếc rong là cụ Vi-ta-li dìu dắt nên người.

Anh hùng Lý Tự Trọng

Anh Lý Tự Trọng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Hà Tĩnh. Anh giác ngộ cách mạng rất sớm và được tổ chức đưa ra nước ngoài học tập. Vốn thông minh, anh học rất giỏi, nói thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.

Một trí khôn hơn trăm trí khôn

Một buổi sáng trời quang mây tạnh, đôi bạn dạo chơi trên đồng cỏ. Chúng đi sóng đôi với nhau, nhởn nhơ ngắm trời ngắm đất. Ánh mặt trời chiếu trên thảm cỏ non làm cho những giọt sương long lanh như những hạt ngọc...

Lợn con sạch lắm rồi

Trong khu rừng nọ có nhiều bạn nhỏ sinh sống: Gấu Con, Thỏ Con, Khỉ Con, Dê Con, Cún Con và Lợn Con...

Mình bận học

Vào một buổi sáng thứ bảy đẹp trời, Vô-lô-đi-a đang cắm cúi chuẩn bị bài thì một bạn đến rủ đi bắn chim vì cậu ta vừa mua một khẩu súng mới toanh. Khẩu súng mới! Điều đó thật hấp dẫn đối với các bạn trai.

Đốt cháy đồng lúa chín

Ngày xưa có một cụ già sống trên một ngọn núi cao ở Nhật Bản. Chung quanh nhà cụ, ruộng nương bằng phẳng và phì nhiêu. Ruộng nương đó thuộc về cư dân của một làng nhỏ dưới chân núi dọc ven biển.

Bàn chân kì diệu

Một buổi sáng, trời đẹp, cô giáo Cương đến lớp sớm. Cô đang chuẩn bị để viết trước bài học vần lên bảng thì thấy một em bé thập thò ngoài cửa.

Kỉ Xương học bắn

Cam Thằng là nhà thiện xạ thời cổ. Phi Vệ học nghề bắn cung của Cam Thằng, sau giỏi hơn cả thầy.