Chiếc thuyền giấy lang thang

Trên một khúc sông nọ, có một chiếc thuyền giấy màu trắng đang trôi theo chiều gió, càng ngày càng xa. Thuyền giấy đi đâu vậy nhỉ? Ngay cả nó cũng không biết nữa. Lúc đó, nó chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi nhà cậu bé Nhật Anh mà thôi.

Trời đã tối, ánh trắng chiếu lên người Thuyền giấy, nó dựa vào một tảng đá ngầm và dừng lại nghỉ.

Đúng lúc đó, một chú cá nổi lên, thổi bong bóng phập phồng và chào Thuyền giấy:

- Chào bạn Thuyền giấy! 

- Chào bạn Cá nhỏ.

Thuyền giấy lùi lại phía sau, nó có vẻ sợ bị Cá ăn mất.

- Bạn từ đâu tới vậy? - Cá hỏi.

- Tôi đã từng ở rất nhiều nơi, ví dụ như rừng rậm, nhà máy sản xuất giấy này, tàu hỏa, tiệm sách và cả nhà của bé Nhật Anh nữa.

Thuyền giấy nhớ lại những nơi mình đã đi qua và tỏ ra buồn bã.

- Vậy tại sao bạn lại bỏ đến đây? - Cá nhỏ ngạc nhiên hỏi.

- Là giấy thì phải kết bạn với chữ, để mọi người viết đầy chữ lên người thì mới gọi là vinh quang.

Thuyền giấy nói tiếp:

- Thế mà bé Nhật Anh lại không biết việc này, mỗi trang giấy cậu ấy chỉ viết có vài chữ là đã vứt vào thùng rác rồi.

- So với các bạn của tôi thì tôi còn may mắn đấy. Bé Nhật Anh dùng tôi để gấp thuyền giấy, ném ra ngoài cửa sổ, tôi bay theo chiều gió và lưu lạc đến con sông này đấy.

Thuyền giấy buồn rầu nói:

- Đi đâu cũng được, chỉ cần không quay lại nhà bé Nhật Anh nữa là được.

- Thật là đáng thương! - Cá thông cảm nói, mặc dù nó không hiểu thế nào là “vinh quang”, đối với nó, đây là một từ vô cùng “rắc rối”.

Đúng lúc đó, Cá nhớ đến một cô bé thường ngồi trên bãi cỏ bên bờ sông, cầm một cái bảng và bút màu để vẽ tranh, mỗi tờ giấy qua tay cô bé đều trở nên vô cùng đẹp đẽ. Thế là nó bảo Thuyền giấy ở lại khúc sông này mấy hôm để gặp cô bé kia và sau đó hãy quyết định có theo cô bé về nhà hay không.

Ba ngày sau, cô bé cầm bảng vẽ đến bờ sông. Nụ cười của cô bé đẹp như hoa vậy. Cô bé cẩn thận lấy ra một tờ giấy, nhẹ nhàng kẹp nó vào bảng. Tờ giấy phẳng phiu và sạch đẹp, không có lấy một nếp gấp. Cô bé bắt đầu vẽ tranh, mỗi một bức tranh đều được vẽ kín mặt giấy, mùi bút màu thơm lừng lan tỏa trong không trung. Thuyền giấy núp ở bờ sông nhìn lên, trong lòng thầm ngưỡng mộ những tờ giấy trong tay cô bé.

- Đến đây nào, anh bạn! - tờ giấy bên cạnh cô bé nhìn thấy Thuyền giấy, bèn vui vẻ gọi nó tới, gió thổi vào những tờ giấy kêu “xoạt xoạt”.

- Tôi, tôi cũng muốn đến lắm. Nhưng mà…

Thuyền giấy cúi đầu, lí nhí nói. Nó nghĩ lại mấy vết mực nguệch ngoạc mà bé Nhật Anh vẽ lên người nó, làm sao mà cô bé có thể chấp nhận nó được chứ? Đang miên man nghĩ, bỗng nhiên, một bàn tay nhỏ nhắn đỡ thuyền giấy lên.

- Để chị xem nào - Cô bé nhẹ nhàng lau những vết bẩn trên mặt giấy, sau đó cẩn thận giở nó ra và phơi dưới ánh mặt trời.

Sau đó, cô bé vẽ một bức tranh lên mặt giấy, bức tranh có bầu trời xanh, thảm cỏ xanh và con sông nhỏ, còn có cả bạn Cá nữa. Những nếp gấp trên giấy chính là những con sóng, nằm im trong bức tranh một cách thần kì. Cá ở dưới nước thổi bong bóng, chào tạm biệt người bạn của mình và chúc mừng nó. Bây giờ, tờ giấy đó đang nằm rất yên bình trên giá sách, ngày ngày nói chuyện vui vẻ với các bạn. Có những lúc nó không có ai để nói chuyện, tuy cảm thấy cô đơn nhưng nó vẫn rất vui vì cuối cùng, nó đã có được sự vinh quang, đã phát huy được tác dụng của một tờ giấy, trên người nó đã có một bức tranh đẹp ơi là đẹp.

- Tôi hạnh phúc quá! Tờ giấy thường nói với chính mình như thế - Tôi đã có một hồi ức tươi đẹp rồi.

 

Trò chuyện cùng bé

Tại sao lúc đầu thuyền giấy lại thấy buồn? Sau khi cô bé vẽ một bức tranh lên mặt giấy thì nó còn cảm thấy buồn không? Mỗi một trang giấy đều vô cùng đáng quý, chúng ta cần phải tận dụng từng tờ giấy một cách có ích nhất, không được viết vẽ lung tung một chút đã vứt đi bạn nhé. Các bạn nhỏ có làm được điều đó không?

In chữ rời

Ngày xưa, những bản in đầu tiên được tạo ra bằng cách khắc chữ lên trên một tấm gỗ rồi mới in ra giấy. Tương truyền, Tất Thăng là người đầu tiên phát minh ra kĩ thuật in chữ rời, giúp cho hiệu quả in ấn được nâng lên gấp mấy chục lần...

Bác Hồ là thế đấy

Thời chống Mỹ, một buổi trưa, Hồ Chủ tịch đang chuẩn bị nằm nghỉ thì cần vụ vào báo cáo là Bác có khách. Khách là một cụ già ở Hưng Yên. Cùng đi với cụ có một vị lãnh đạo tỉnh. Trên xe còn có một thùng cá khá nặng.

Buổi học cuối năm

Hôm nay Minh đến lớp, lòng hồi hộp. Buổi học này là buổi học cuối năm. Các bạn Minh cũng đã có mặt đông đủ. Ai cũng muốn đến sớm hơn mọi ngày một chút để được nói chuyện vui đùa với nhau.

Niềm vui bất ngờ

Vào một buổi sáng nắng đẹp, cô giáo Mỹ dẫn các cháu mẫu giáo đi chơi vườn Bách thảo. Đi đến vườn Bách thảo phải đi qua Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ sống và làm việc ở đấy.

Qua suối

Một lần, trên đường đi công tác, Bác Hồ và các chiến sĩ bảo vệ phải qua một con suối. Trên dòng suối có những hòn đá bắc thành lối đi. Khi Bác đã sang đến bờ bên kia, một chiến sĩ đi phía sau bỗng sẩy chân ngã.

Avanti thông minh

Avanti nổi tiếng là một người thông minh, giỏi đối đáp. Một hôm, Avanti mở một xưởng nhuộm, Bayi muốn chơi khăm Avanti, liền đến xưởng nhuộm và nói với ông: Avanti này, nghe nói tay nghề của ông rất giỏi, ông có thể giúp tôi...

Một chuyến tham quan

Bé Loan học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Một hôm, cơ quan mẹ Loan tổ chức đi tham quan Hà Nội. Thấy Loan ngoan, biết vâng lời bố mẹ, mẹ bàn với bố cho Loan đi cùng.

Bác sĩ Gõ Kiến

Bác sĩ Gõ Kiến là bạn của núi rừng. Bác sĩ đi đến đâu cũng râm ran tiếng chào hỏi.

Trên đường đến nhà lao

Bầu trời Côn Đảo trong buổi bình minh rất đẹp. Con đường từ Bến Đầm đến nhà lao uốn quanh bờ biển, men theo triền núi, bên trên là cây cối um tùm, bên dưới là sóng trắng vỗ bờ đá dựng.