Rất nhiều vật có thể phát nhiệt. Ví dụ đèn ống hoặc bóng đèn khi sáng sẽ phát nhiệt, ô tô khi chạy sẽ phát nhiệt, rất nhiều dụng cụ điện trong gia đình khi sử dụng cũng phát nhiệt. Vì những vật này phát nhiệt không nhiều nên nói chung ảnh hưởng không lớn đến môi trường. Nhưng nhiệt của một nhà máy sản xuất ra thải vào trong nước hoặc trong không khí chắc chắn sẽ gây ô nhiễm cho môi trường. Lấy nhà máy nhiệt điện làm ví dụ. Nhiệt do đốt cháy nhiên liệu phát ra chỉ khoảng 1/3 chuyển hóa thành điện năng, 2/3 phần còn lại biến thành nhiệt thải dưới hình thức nước nóng hoặc không khí nóng để thải vào trong nước hoặc trong không khí. Nhiệt thải của các nhà máy điện nguyên tử còn lớn gấp 50 lần so với các nhà máy nhiệt điện. Nước nóng ở nhiệt độ cao của các nhà máy này thải vào các dòng sông hoặc ao hồ, có khi khiến cho nhiệt độ nước ở đó tăng lên mấy độ, thậm chí mười mấy độ. Ví dụ, một nhà máy nhiệt điện có công suất 10 vạn kW, mỗi giây sản xuất ra 7 tấn nước nóng, có thể nâng nhiệt độ nước ở xung quanh lên cao hơn bình thường từ 6 – 8 oC.
Ô nhiễm nhiệt khiến cho nhiệt độ của nước sông, hồ, biển tăng cao, khiến cho môi trường sinh thái ở đó phát sinh biến đổi. Một khi nhiệt độ nước của môi trường vượt quá phạm vi thích nghi của sinh vật sống trong đó thì sẽ ngăn cản chúng sinh sống và phát triển bình thường, thậm chí bị chết. Ví dụ cá chiên nhiệt độ nước nóng đến 24 oC thì sẽ chết, cá chép chết khi nhiệt độ nước lên đến 35 oC. Có lúc trứng cá còn sợ nhiệt độ cao hơn là bản thân cá mẹ. Ví dụ ở nhiệt độ nước sông cao hơn nhiệt độ bình thường 3 oC thì trứng cá đã bị tổn thương. Sông Vọng Ngu ở Giang Tô, Trung Quốc và mạng lưới các sông xung quanh nhà máy nhiệt điện đã từng phát sinh sự kiện cá và các loài ong chết do nước nóng của nhà máy thải ra.
Ô nhiễm nhiệt cũng gây cho nước thiếu oxi, nhiệt độ nước tăng khiến các loài tảo và vi sinh vật sống dưới sông phát triển nhanh, gây nên oxi tan trong nước không đủ, cá chết hàng loạt. Năm 1971, ở Mỹ vì nước bị ô nhiễm nhiệt mà gây nên 7.370 con cá bị chết. Nguyên nhân chủ yếu là vì nước thiếu oxi.
Ô nhiễm nhiệt còn phá hoại môi trường sinh thái của nước. Nói chung các chất hữu cơ trong nước ngọt ở nhiệt độ dưới 32 oC mới có thể tồn tại bình thường. Nếu vượt quá nhiệt độ này thì quần thể tảo sẽ mất đi những chất hữu cơ điển hình của nó. Với các loài tảo, loài nào sẽ chiếm ưu thế là do nhiệt độ nước quyết định. Ở 20 – 25 oC thì tảo silic chiếm ưu thế, 30 – 35 oC tảo lục chiếm ưu thế, trên 35 oC tảo lam chiếm ưu thế. Sau khi nước sông bị ô nhiễm nhiệt thường làm cho loài tảo lam phát triển nhanh, mà loài tảo lam chính là thức ăn kém nhất của các loài sinh vật thủy sinh, thậm chí là có hại đối với một số loài cá. Tảo lam còn là nguyên nhân quan trọng gây nên nước có mùi. Nhiệt độ nước tăng cao còn ảnh hưởng đến số lượng và sự phân bố của các sinh vật sống dưới đáy sông.
Ô nhiễm nhiệt ngoài việc có hại cho các sinh vật thủy sinh, nhiệt thải vào không khí cũng khiến cho nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của thực vật. Nhiệt độ cao xung quanh nhà máy sẽ làm giảm hiệu suất công tác của con người, thậm chí có người còn bị hôn mê, cảm nóng.
Ô nhiễm nhiệt đã gây nên sự chú ý cho những người làm công tác bảo vệ môi trường trên thế giới. Trong những năm gần đây, người ta đã ứng dụng kĩ thuật hồng ngoại điều khiển từ xa của hàng không vũ trụ vào việc giám sát và đo lường ô nhiễm nhiệt và thu được những kết quả rất tốt. Các chuyên gia đã đi đến nhận xét chung: chỉ có biến nguồn nhiệt phế thải thành nguồn năng lượng, lợi dụng nguồn nhiệt này đưa lại lợi ích cho con người mới là con đường căn bản để xử lí ô nhiễm nhiệt tận gốc.