Stephen Hawking sinh năm 1942 ở Oxford (Anh). Năm Hawking bước vào trường đại học học khoa Vật lí, anh bị mắc một chứng bệnh quái ác – bệnh rối loạn chức năng điều khiển của hệ thần kinh. Đến năm học thứ ba, Hawking đột nhiên nhận thấy mình trở nên vụng về, nắm giữ đồ vật rất khó khăn.
Vào bệnh viện, sau một loạt các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận: anh mắc một căn bệnh không thuốc gì chữa khỏi và sẽ chết trong vài năm tới. Đó thật là một cú sốc với chàng thanh niên mới 21 tuổi. Nằm cùng phòng bệnh với Hawking khi đó là một cậu bé 14 tuổi mắc chứng u não. Cậu bé lịm đi từng ngày cho đến lúc chết, không tỉnh lại để nói một câu nào. Chứng kiến cảnh đó, Stephen Hawking thấy trên đời này vẫn còn những người bất hạnh hơn mình. Anh nghĩ: “Mình phải cứng rắn lên, phải cố sống, sống hạnh phúc, dù ngắn ngủi”. Kể từ đó, sau khi xuất viện, căn bệnh không khi nào còn làm cho anh buồn chán. Chính ý chí và sự tự tin đó đã khiến anh đạt được kì tích phi thường – được trao bằng danh dự hạng nhất về Khoa học tự nhiên ở trường đại học chỉ sau có 3 năm học tập.
Sau khi tốt nghiệp hạng ưu ở trường đại học, Hawking nghiên cứu ở khoa Vũ trụ học Trường Đại học Cambridge. Anh lấy được bằng tiến sĩ, trở thành phó giáo sư, rồi giáo sư năm 1979.
Căn bệnh hiếm gặp đã khiến Hawking không thể tự đi lại, tự nói, viết, thậm chí cử động. Anh phải ngồi trên xe lăn. Mọi ý nghĩ trong đầu anh được truyền thành văn bản qua một máy tính đặt ngay trên chiếc xe tự hành. Thế mà anh vẫn nghiên cứu hệt như một người bình thường.
Lĩnh vực mà Stephen Hawking tâm đắc mấy chục năm nay là những nguyên tắc điều khiển hệ thống các thiên hà trên bầu trời. Nhờ những nghiên cứu mang tính chất đột phá về vũ trụ học, giáo sư Hawking đã được trao 12 bằng danh dự cùng hàng chục huy chương, giải thưởng. Không chỉ là một nhà khoa học lỗi lạc, Hawking còn có một gia đình hạnh phúc với người vợ tuyệt vời và ba đứa con.
Giáo sư Hawking đã chiến thắng bệnh tật, vượt qua thời hạn được sống mà các bác sĩ đã dự đoán. Những gì ông đã đạt được thực là những kì tích phi thường.
Ngày 14-3-2018, nhà vật lý học Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76 trong niềm tiếc thương của gia đình và những người yêu khoa học trên toàn cầu, trở thành tượng đài về nghị lực sống và niềm đam mê khoa học.
Ý nghĩa
Nhà vật lý học Stephen Hawking (1942 – 2018), là một huyền thoại về nghị lực sống và niềm đam mê nghiên cứu với những đóng góp vĩ đại cho khoa học thế giới.