Từ khi xã hội loài người chuyển từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ, các nước trên thế giới thịnh hành tâm lí “nam giới là cao quí, nữ giới là thấp hèn”, “trọng nam khinh nữ”. Người phụ nữ không có địa vị cao trong xã hội, do đó có ít các nhà khoa học nữ.
Do công cuộc cải cách “bình đẳng nam nữ” từ cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX tình hình có thay đổi chút ít. Nhà bác học nữ Ba Lan Marie Curie hai lần nhận được giải thưởng Nobel; một giải về vật lí, một giải hoá học. Nhà nữ vật lí Trung Quốc Ngô Kiên Hùng là hội trưởng đầu tiên của hội vật lí Mỹ. Họ là đại biểu cho các nhà khoa học nữ kiệt xuất. Nhiều nữ thanh niên đã lấy họ làm tấm gương cho bước đường khoa học của mình.
Các nhà bác học nữ thuộc các ngành vật lí, hoá học, y học v.v... đã đạt được những thành tựu tương đối lớn, nhưng trong lĩnh vực toán học thì thành tựu của các nhà khoa học nữ vẫn còn khá ít. Điều đó liên quan đến sự kì thị của giới toán học đối với nữ giới. Nữ giáo sư toán học đầu tiên trên thế giới là nhà toán học nữ người Nga Kovalevkaia. Thế nhưng bà đã không tìm được việc làm ở Nga, về sau, vào năm 1889 trở thành giáo sư trường Đại học Kalma, Thuỵ Điển. Vào thế kỉ XX có nhà nữ toán học vĩ đại Noether người Đức, là người đã đặt cơ sở cho môn đại số trừu tượng. Nhưng bà chỉ được là giảng viên trường Đại học Gottingen chứ không được là giáo sư.
Sau Đại chiến thế giới thứ hai, tình hình đã có nhiều thay đổi Robinson được bầu làm Hội trưởng Hội toán học của Mỹ. Giáo sư Hồ Hoà Sinh là nữ viện sĩ đầu tiên của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc. Năm 1998, ở Mỹ có 1216 tiến sĩ toán học, trong đó có 919 người là nam giới còn lại 297 là nữ giới, số nữ tiến sĩ toán học chiếm tỉ lệ 1/4.
Theo các nghiên cứu giáo dục chứng minh rằng khả năng về toán học của nữ giới không có gì khác biệt so với nam giới. Việc cho rằng nữ giới không hợp với toán học hoàn toàn không có căn cứ. Cho nên có thể dự đoán tuỳ theo sự tiến bộ xã hội và quan niệm nam nữ bình đẳng, trong tương lai số các nhà toán học nữ sẽ không hề thua kém số các nhà toán học nam.