Các loại đèn chớp sáng cũ và mới có gì khác nhau?
Hơn nửa thế kỷ trước, các phóng viên, ký giả thường dùng các loại đèn chớp sáng (đèn flash), nghe một tiếng "tách" là phát ra tia chớp sáng loé mắt. Bấy giờ "cửa trập" của máy ảnh sẽ mở ra và phim sẽ bắt được tốt hình ảnh sự vật cần chụp ảnh.
Vào thời đó người ta thường dùng tia sáng khi các kim loại magie hoặc nhôm bốc cháy phát ra, làm đèn chớp sáng. Các kim loại magie, nhôm có màu sáng bạc, nhẹ. Trong điều kiện bình thường các kim loại này khá "êm ả", nhưng khi cháy lại cháy rất mãnh liệt. Đó là do quá trình oxy hoá các kim loại xảy ra rất đặc biệt: Ở điều kiện trong không khí khô, các kim loại hầu như không có thay đổi gì. Nhưng khi gặp nhiệt độ cao thì magie bốc cháy trong không khí, tạo thành bột magie oxit màu trắng và toả ra một lượng nhiệt rất lớn, phát ra luồng ánh sáng trắng loá mắt. Loại ánh sáng này tác dụng lên phim ảnh rất mạnh, nên người ta có thể dùng chụp ảnh trong đêm đen. Dưới tác dụng của tia chớp sáng của đèn chớp sáng, hình ảnh vật chụp được ghi lại rõ nét trên phim.
Nhôm bền hơn magie nhiều. Hằng ngày chúng ta chẳng đã dùng xoong nồi bằng nhôm để nấu cơm, nấu thức ăn đó sao? Nhưng khi nhôm đã bốc cháy thì độ mãnh liệt cũng không kém hơn magie bao nhiêu. Nếu đem nhôm nghiền thành bột mịn, thì khi đốt cháy có thể nung chảy gang thép thành trạng thái lỏng.
Đầu tiên người ta cho magie cháy trực tiếp trong không khí để làm đèn chớp. Nhưng đốt theo kiểu này, đốt cháy rất chậm. Về sau người ta cải tiến dùng magie bột, có thêm chất trợ cháy là kali clorat để cấp thêm oxy cho sự cháy. Kali clorat khi bị đốt nóng sẽ cho thoát ra lượng lớn oxy. Đó chính là "thêm dầu vào lửa" nên magie sẽ cháy mạnh gấp bội, làm cho magie bị cháy sạch trong vòng 1/100 giây.
Nhưng dùng bột magie không được an toàn. Dùng nhôm thay thế cho magie sẽ tốt hơn. Hơn nữa nhôm lại rẻ tiền hơn magie nhiều. Nhôm dễ gia công thành bột nhôm hơn magie. Độ dày của lá nhôm còn nhỏ hơn kích thước sợi tóc. Người ta lại dùng oxy tinh khiết thay cho kali clorat. Người ta cho nhôm lá và oxy vào ống thuỷ tinh nhỏ và hàn kín thành bóng đèn chớp sáng. Việc sử dụng loại bóng đèn chớp sáng này rất dễ dàng tiện lợi, cháy rất nhanh, ánh sáng phát ra mạnh, lại rất tập trung. Chớp sáng bùng lên rồi tắt ngay.
Sau này người ta lại dùng hợp kim nhôm - magie kéo thành sợi nhỏ thay cho lá nhôm để làm bóng đèn chớp. Trong bóng đèn chớp kiểu này, quá trình oxy hoá xảy ra rất nhanh, thể tích bóng đèn lại rất nhỏ, chỉ bằng cỡ hạt lạc, dùng rất tiện.
Thế nhưng các loại đèn chớp kể trên chỉ dùng được một lần. Ngày nay đèn chớp được thay thế bằng các đèn chớp điện tử. Đèn chớp điện tử dùng nguồn pin khô làm nguồn năng lượng có thể dùng được nhiều ần. Người ta gọi đó là "đèn chớp dùng nhiều lần" (Đèn flash). Đèn chớp điện tử dùng năng lượng điện biến thành năng lượng ánh sáng và không còn cần dùng cách đốt cháy kim loại.