Chuyện gấu ăn trăng

Ngày xưa, chú Cuội chưa lên sống trên cung trăng mà vẫn ở mặt đất này cùng với chúng ta. Cuội cũng có bố, có mẹ như chúng ta vậy.

Một hôm, để thưởng Cuội đã chăm chỉ chăn trâu cắt cỏ, mẹ Cuội mua cho chú một cái bánh đa thật to, tròn vành vạnh, vừa dày lại vừa đặc kín những vừng là vừng. Cuội hí hửng ôm tấm bánh đa trong lòng, vừa đi vừa hát líu lo.

Đến cửa rừng, bỗng nhiên một con gấu đen to béo hiện ra. Nó quát:

– Muốn sông, nộp ngay cái bánh cho ta! Ta đang đói bụng đây!

Cuội ôm bánh, quay đầu chạy lui về phía cánh đồng. Hai bàn tay Cuội nắm chặt hai bên tấm bánh giơ lên cao. Gâu hồng hộc đuổi. Gần tới nơi, thì may sao một luồng gió thổi mạnh vào tấm bánh, đưa Cuội lên cao như một cánh diều.

Gió thổi Cuội lên trời, cao mãi, vượt qua đỉnh núi, vượt mấy tầng mây. Gần tới mặt trăng, cây đa trên đó thả một chùm rễ xuống để Cuội bám lấy mà leo lên.

Từ đó chú Cuội sống trên mặt trăng, và thường ngồi bên gốc đa.

Ở dưới đất, Gấu ,ta nhìn thấy trăng, bèn nghĩ đó là cái bánh đa lớn mà Cuội đã đem đi ngày ấy. Gấu nuốt nước dãi. Thèm lắm.

Một đêm, Gấu rắp tâm leo lên trời để ăn cái bánh đa – trăng cho bằng được. Nó trèo lên đỉnh núi cao, nhảy phốc lên một đám mây đen, theo chiều gió nhằm phía mặt trăng bay tới.

Khi bóng Gấu và đám mây đen bắt đầu phủ mờ trăng, bỗng nhiên làng xóm khắp mặt đất nổi lên tiếng đập thúng đập mẹt như là đổ thóc đổ gạo ra để xay, để giã vậy. Gấu tham ăn nghĩ bụng:

“Chà, mình trở lại dưới đó, chắc là kiếm được bữa no!”

Nó buông mình khỏi đám mây đen, rơi vút xuốhg như một hòn đá tảng. Thân nó giáng trúng một gốc cây, gãy xương, đau ê ẩm. May mà nó có mật Gấu là vị thuốc hay, nên nhờ đó mà qua khỏi. Nhưng từ đó Gấu không dám tính đến chuyện ăn trăng nữa.

Còn mặt trăng thì cứ đêm rằm là tròn vành vạnh và sáng ngời ngời. Các bạn nhìn kĩ mà xem, chú Cuội vẫn ngồi chơi bên gốc cây đa trên ấy. Nom chú có vẻ buồn buồn. Chắc là chú đã ăn hết bánh đa, và đang nhớ cha, nhớ mẹ…

 

Ý nghĩa

Qua câu chuyện tưởng tượng khá thú vị về chú Cuội bay lên mặt trăng và con Gấu leo lên trời để ăn cái bánh đa – trăng, tác giả muôn giải thích một cách hóm hỉnh hiện tượng nguyệt thực (trái đất che khuất mặt trăng) mà dân gian gọi là “gấu ăn trăng”.

Xem thêm