Trong khu rừng nọ có một chú thỏ, ngày kia khi nó đang thảnh thơi nằm ngủ ở dưới gốc sung. Đột nhiên có quả sung chín từ trên cây rới xuống đánh một cái bốp ngay giữa đầu.
Được tiếng nhát gan từ nhỏ, nó giật mình lập tức chồm dậy mà chạy bán sống bán chết. Trên đường thỏ chạy thì gặp hổ. Hổ thấy thế bèn cản thỏ lại hỏi. Thấy vậy thỏ bèn trợn mắt mà nói:
– Còn không chạy mau, chết đến nơi bây giờ. Đất sụt ầm ầm dưới chân rồi kìa… Mau chạy đi…
Nghe thỏ nói thì hổ sợ lắm, nó cũng chẳng hỏi thêm gì mà co giò chạy theo phía sau. Thỏ chạy như mây bay, như gió cuốn, hổ phì phò chạy theo sau, chạy đến đứt hơi mà vẫn không sao bắt kịp thỏ cho được.
Thấy cảnh này Thần Gió không nhịn được cười mà nói:
– Hổ kia, mày rõ to xác mà lại để con thỏ nhãi lừa. Đất có sụt đâu, sao lại phải chạy như chối chết thế.
Nghe Thần Gió nói vậy thì hổ tức lắm, một mạch nuôi giận đi tìm thỏ để trả thù cho bằng được mới hả giận. Khi đến gặp thỏ, thỏ vẫn bình tĩnh như không bảo hổ rằng:
– Dù bác có ăn thịt cháu thì cũng không sao bác hổ ạ. Nhưng vừa nãy tất cả muôn loài trong rừng đều đồng ý tôn cháu làm vua rừng rồi. Từ nay bác cũng phải giống như mọi người, coi cháu chính là vua. Nếu còn chưa tin, bây giờ bác hãy cõng cháu đi một vòng xem có ai là không sợ uy nghiêm của cháu không. Nếu cháu nói sai thì bác ăn thịt cháu vẫn chưa muộn.
Hổ ngu ngốc tin lời, bèn cõng thỏ dạo một vòng xung quanh rừng. Quả nhiên đi đến đâu thì muông thú đều sợ hãi mà bỏ chạy hết. Bọn chúng là vì sợ hổ nên mới chạy, còn hổ ngờ nghệch cứ nghĩ chúng do sợ oai của thỏ mà chạy.
Cho đến tận lúc ấy thỏ mới vênh mặt lên quát hổ:
– Giờ thì ngươi rõ chưa hả? Trăm loài sống nơi đây đều phải sợ ta. Vậy mà ngươi dám láo xược với ta. Lần này nể tình ngươi chưa biết chuyện nên ta tha, nhưng lần sau thì ta sẽ trị tội không tha, nghe chưa?…
Hổ sợ quá liền vâng lời, sau đó cụp đuôi chạy mất.
Lừa được hổ, thỏ ta cũng nhanh chóng chạy trốn, nhưng bụng lại réo đói, nó muốn quay lại bãi cỏ non cạnh bờ suối. Nhưng lúc định phóng ra đấy thì nó chợt nhớ ra lần trước mình đã lừa lão cá sấu, vì thế nó sợ cá sấu sẽ xé xác nếu nhìn thấy nó ở đó.
Sợ cá sấu quá, không còn cách nào nên thỏ đành ở lại trong rừng gặm đám cỏ vừa khô lại vừa già. Nhai một lúc thì đau cả quai hàm, chán quá nên thỏ tự an ủi mình rằng có thể lão cá sấu kia đã quên hết chuyện cũ rồi
Khi thỏ ra đến bờ suối, nó trông thấy cá sấu vẫn đang bận ngủ không bận tâm đến nó. Vì vậy nó càng an tâm rằng cá sấu quả thực không nhớ chuyện bị nó lừa ngày trước nữa.
Không ngờ lão cá sấu mưu mô, nó giả vờ ngủ là để đánh lừa thỏ, đợi khi thỏ tới gần liền ngoác mồm ra đớp gọn. Bây giờ chỉ cần nuốt ực cái thì con thỏ tinh ranh kia sẽ trôi thẳng xuống dạ dày của lão cá sấu.
Sợ hãi quá nên thở mới hỏi:
– Bác cá sấu này, bác ăn thịt cháu thì làm ơn nhanh nhanh tí, chứ bác cứ ngậm mãi thế này làm cháu rất sợ đấy.
Nghe thỏ trong miệng mình nói sợ, cá sấu vui vẻ lắm, nó mím miệng mà cười:
– Hút… hút… hút… mày biết sợ chưa? Ta cho mày phải sợ chết khiếp… rồi mới nuốt xuống dưới bụng tao… hút… hút… hút…
Không khó để thỏ nhận ra rằng vì muốn giữ chặt nó trong mồm, mà mõm cá sấu lại rất dài nên cá sấu chỉ có thể cười hút… hút… mà thôi. Biết thế nên thỏ ta đắc chí cười to:
Ha… ha… ha… mắc cười chết mất… mắc cười chết mất… cá sấu bị ngọng nên cứ kêu hút… hút… mãi thì ta làm sao sợ cho được. Nếu muốn ta sợ thì mày phải cười to ha… ha… ha chứ. Mày làm tao buồn cười chết mất.
Cá sấu nghe vậy giận lắm, nó quát lớn:
– Tao không có ngọng… thằng ranh thỏ… dựng lỗ tai lên nghe giọng cười của ta đây… ha… ha… ha…
Vì cười ha ha mà cá sấy phải ngoác rộng cái mõm dài của mình ra. Nhân cơ hội đó thỏ nhảy vụt ra ngoài. Chạy khá xa nó bèn quay lại cười vào mặt cá sấu rồi dạy:
– Lão cá sấu vừa xấu xí vừa ngu si kia… Nghe này… hễ có ngậm đồ ăn trong miệng thì đừng có mà cười ha ha hiểu chưa…
Nói xong thỏ ta chạy một mạch vào rừng trốn biệt.