Có phải hằng tinh là bất động không?
Trong hệ Mặt trời của ta, Mặt trời là một hằng tinh. Trái đất và các hành tinh khác quay quanh Mặt trời. Vậy Mặt trời có phải đứng yên bất động không? Câu trả lời là không phải. Mặt trời đang mang cả hệ Mặt trời quay quanh hệ Ngân hà với tốc độ 220 km/s.
Nguyên là các hằng tinh không những không đứng yên mà chuyển động rất nhanh. Trong bầu trời mỗi hằng tinh có phương chuyển động đi xa dần Trái đất, có hằng tinh đang đi đến, hơn nữa tốc độ nhanh, chậm cũng khác nhau. Ví dụ ngôi sao "Tham tú thứ 7" của chòm sao Lạp hộ đang bay xa khỏi Trái đất với tốc độ 21 km/s, còn ngôi sao "Ngũ xa thứ 2" của chòm sao Ngự phu mỗi giây chuyển động với tốc độ 30 km. Sao "Tất tú thứ 5" của chòm sao Kim ngưu chạy nhanh hơn, tốc độ là 54 km/s.
Còn có một số hằng tinh chuyển động với tốc độ nhanh hơn nữa, như một ngôi sao trong chòm sao Thiên cáp tốc độ chuyển động đạt đến 583 km/s, quả thật là ngôi sao chạy rất nhanh.
Các hằng tinh chuyển động nhanh như thế, vì sao ta lại không nhìn thấy được? Hình dạng của các chòm sao trên trời cũng không nhìn thấy có biển đổi gì?
Nguyên nhân không nhìn thấy các hằng tinh chuyển động là vì chúng cách Trái đất quá xa. Lấy ngôi sao gần với Trái đất nhất là chòm sao Ngựa nửa hình người (Bán nhân mã), cách ta 4,3 vạn tỉ km, cho nên dù nó chuyển động với tốc độ 70 km/s thì tối thiểu phải qua 2 trăm năm nữa nó mới chuyển dời được một khoảng cách bằng nửa đường kính của Mặt trăng. Huống hồ đa số các hằng tinh đều cách chúng ta rất xa so với ngôi sao láng giềng đó. Chẳng trách mà ta thấy chúng như là bất động.
Vì tốc độ và phương hướng chuyển động của các ngôi sao trong chòm sao Bắc đẩu không giống nhau, cho nên hình dạng của chòm sao Bắc đẩu 10 vạn năm trước và 10 vạn năm sau cũng khác xa với hiện nay. 10 vạn năm trước nó chỉ thay đổi một ít, cho nên ta không nhìn thấy sự biến đổi vị trí của sao Bắc đẩu. Nhưng các nhà thiên văn dùng những thiết bị đo lường chính xác có thể tính ra sự biến đổi này.