Quả và hạt khác nhau như thế nào?

Có nhiều người cho rằng, quả thì to hạt thì nhỏ, cũng có người cho rằng hạt nằm trong quả. Thực ra dùng phương pháp đó để phân biệt quả và hạt đều không khoa học.

Vậy thì quả và hạt rốt cuộc khác nhau như thế nào? Để làm rõ điều đó, chúng ta hãy bắt đầu xem xét quá trình hình thành quả và hạt.

Thực vật sinh trưởng đến một giai đoạn nhất định sẽ truyền phấn, thụ tinh, sinh ra thế hệ sau. Sau khi nhụy cái thụ tinh, các bộ phận của hoa liền xảy ra những thay đổi rõ rệt, đài hoa, tán hoa đều khô héo, đầu nhụy cái và nhụy đực cùng ống nhị cái hoa cũng đều héo rũ chỉ còn lại bầu nhụy, tiếp theo noãn trong bầu nhụy phát dục thành hạt, đồng thời bầu nhụy cũng lớn lên, phát dục thành quả.

Quả phân thành quả thật và quả giả, những quả thật là do bầu nhụy cái phát dục mà thành như đào, mơ, mận, hạnh v.v. Bên ngoài chúng là một lớp mỏng gọi là vỏ ngoài, thịt quả béo, dày, nhiều nước gọi là trung quả bì hạt, hạt cứng gọi là nội quả bì, mà nhân của hạt này mới là hạt giống. Nhưng có một số đài hoa, cánh hoa của nhụy cái cùng bầu nhụy phát dục thành quả, gọi là quả giả. Lớp thịt quả dày của quả táo và lê chính là do phần gốc của đài hoa và nhụy đực cùng cánh hoa phát dục mà thành. Phần ăn được chủ yếu là đài hoa. Các loài quả quí như thảo mai, óng ánh màu hồng, nhiều nước, ngọt, thịt quả của nó là đài hoa có thịt, và quả là những hạt nhỏ cứng nằm trong đài hoa, gọi là hạt còi, nạc. Những loại quả có nhiều quả nhỏ tập trung như vậy trên đài hoa còn gọi là quả tập trung. Ngoài thảo mai ra, còn có đài sen, ngọc lan... Nếu quả do cả bông hoa phát triển thành thì gọi là quả tụ hoa như quả dứa, quả dâu, quả sung v.v.

Trong đời sống hàng ngày, còn có rất nhiều loại quả và hạt dễ lẫn với nhau. Rất nhiều người cho rằng hướng dương là hạt, thực ra nó là quả do bầu nhụy phát dục thành, chỗ ăn được là hạt còn cái vỏ nhổ đi là quả. Hạt thóc, hạt mạch, ngô... thường được gọi là hạt nhưng trên thực tế các “hạt” này cũng đều là do bầu nhụy phát dục mà thành và là quả thực sự, các nhà thực vật học gọi chúng là quả một hạt. Do các quả đó có vỏ quả và vỏ hạt hợp thành làm một, khó tách rời nên trong nông nghiệp người ta coi là hạt giống. Hạt ngân hạnh vừa thơm vừa dẻo, tục gọi bạch quả (quả trắng) nhưng thực ra hoàn toàn là hạt vì do hạt kín của noãn phân hóa mà thành.

Có điều thú vị là trong quả của một số loài không có hạt như chuối tiêu, nho không hạt, cam quýt không hạt, dưa hấu không hạt... Những quả này không có hạt là do con người nuôi trồng hoặc do xử lí thuốc mới khiến cho chúng trở thành những quả không hạt. Còn một số loài cây không có quả, chỉ có hạt như cây tùng, cây sam, cây bách v.v., những cây đó thuộc loại thực vật hạt trần, noãn của những cây này đều không có bầu nhụy bao bọc nên không thể kết quả, hạt của chúng lộ ra ngoài nên mới có cái tên thực vật hạt trần.

Do đó, bạn muốn xác định xem chúng là quả hay là hạt thì trước hết phải biết chúng phát dục từ bộ phận nào của hoa.

Xem thêm