Tại sao cá voi biết "tự sát tập thể"?
Sáng sớm ngày 22 tháng 12 năm 1985, tại vịnh Đả Thuỷ áo, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nước thuỷ triều dâng cao, sóng biển cuồn cuộn, các ngư dân ở thôn Kiến Quốc thị trấn Tấu Dữ, huyện Phúc Đỉnh đang đánh cá trên biển. Bỗng nhiên, một con cá nhà táng dài hơn 10 m đã xông vào khu vực đánh cá. Các ngư dân lập tức dùng lưới lớn vây quanh nó. Tuy nhiên, con thú biển này không chịu bó tay bị bắt, liều mạng lăn lộn kêu gào, hòng vùng vẫy để thoát ra, tiếc rằng lại bị lưới đánh cá quấn chặt hơn, không động đậy được. Đúng lúc này, các ngư dân phát hiện thấy trong sóng nước cuồn cuộn ngoài xa, 1- 2 nghìn mét, một đàn cá nhà táng hung hãn phóng đến, sau đó bơi xung quanh con cá nhà táng bị bắt đó, và dùng cơ thể chà xát vào lưới đang vây bọc người bạn bị bắt đó để bày tỏ sự an ủi, đồng thời xông xáo khắp nơi, tấn công thuyền đánh cá, tỏ ra rất phẫn nộ. Thuyền đánh cá dưới sự tấn công của đàn cá voi chòng chành, gần như muốn lật đổ, các ngư dân rất hoảng sợ, ra sức chống chọi. Người và cá voi sau khi giằng co nhau 3 - 4 tiếng đồng hồ, nước biển bắt đầu rút xuống, toàn bộ đàn cá voi bị mắc cạn, nằm la liệt trên bãi biển. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có sự kiện cá nhà táng "tự sát" tập thể kỉ lục, có ảnh hưởng về mặt quốc tế.
Hiện tượng tương tự như vậy cũng có xuất hiện ở các nơi trên thế giới. Năm 1970, trên bãi cát ở bờ biển Peirceburg của bang Florida, có hơn 150 con cá voi bất chấp tất cả lao lên bãi biển. Ngày 17-7-1979 tại vịnh Canađa, hơn 130 con cá voi bất chấp sự quấy rối của mọi người, nằm phơi thi thể trên bãi biển. Ngày 9-9-1981 trên một bãi biển của đảo Tasmania - Australia, có 160 con cá voi to "tự sát" ở đó. Ngày 13-3-1984, tại một vịnh của Pháp, có 32 con cá nhà táng bị mắc cạn trên bãi cát, đa số là cá voi cái, chúng lộ rõ vẻ rất hoảng sợ, tiếng kêu thảm thiết của chúng bay xa ngoài 4 km, dường như đang cầu khẩn con người và đồng loại, nhanh chóng đến cứu chúng thoát khỏi nguy hiểm.
Sự "tự sát" tập thể của cá voi, vẫn là một câu đố khó giải của các nhà động vật học. Cá voi tuy cũng có trí tuệ ở mức độ nhất định, nhưng chúng không có tình cảm mừng vui, tức giận, đau khổ, vui vẻ giống như con người, không thể có hành vi tự sát thực sự giống như con người.
Vậy thì, loài cá voi tại sao phải "tự sát" tập thể nhỉ? Các nhà khoa học vì muốn giải đáp được câu đố này đã phải nát óc suy nghĩ, tốn biết bao công sức.
Một học giả người Hà Lan đã phát hiện ra rằng loài cá voi gặp nạn đa số xảy ra ở bờ biển trũng, bãi cát nông, bãi tắm biển, đất có đầy sỏi đá hoặc bùn ứ đọng, và những góc biển nổi lên xa trung tâm biển. Nguyên nhân chết trên cạn có thể là do mất phương hướng. Thị giác của loài cá voi rất kém, về cơ bản là dùng âm thanh để "nhìn" các vật dưới nước. Chúng phải hướng về mục tiêu thăm dò phát ra sóng siêu âm với biên độ rất rộng, sau đó căn cứ vào tín hiệu phản xạ lại, phán đoán phương hướng mục tiêu để quyết định hành động như thế nào, đây gọi là định vị hồi thanh. Mà ở các địa hình bất lợi như sườn dốc, bãi biển, thường làm cho định vị hồi thanh của chúng bị nhiễu. Vì vậy, hành động của chúng bị rối loạn, va đập lung tung, do đó có lúc rơi vào "cạm bẫy" chết trên đất liền.
Ngoài ra, có học giả cho rằng, thuỷ triều lên và thuỷ triều xuống, vị trí nước không ổn định mà gây ra mưa bão và sóng biển va đập mạnh, thêm vào đó là điều kiện địa lí bờ biển nghiêng là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến loài cá voi mắc cạn. Khi cá voi theo sóng bơi gần bờ một khi tiếp xúc với sóng biển nghiêng, dừng lại ở chỗ cũ, và tiếp theo có một đợt sóng nhẹ theo sau, mang theo bùn và cát tạo thành tường chắn, làm cho cá voi không thể khắc phục được chướng ngại này để về với biển lớn.
Nhưng tại sao loài cá voi chết trên bờ, thường là dùng hành động tập thể nhỉ?
Có chuyên gia cho rằng, đó là do bản năng bảo vệ giống loài của sinh vật, thúc đẩy loài cá voi phát ra tín hiệu cầu cứu đến đồng loại, cuối cùng tạo thành thảm kịch cùng đến chỗ chết.
Gần đây, các nhà khoa học lại có một phát hiện mới rất thú vị. Họ cho rằng, cá voi thường bị sự xâm nhập của một loại kí sinh trùng gọi là rận cá. Rận cá có vỏ ngoài cứng, chúng có thể cắn rách da của cá voi chui vào trong da để hút máu và sống kí sinh ở đó, một đàn rận cá có thể ăn hết mảng da lớn của cá voi và làm cho cá voi đau không chịu nổi. Để thoát khỏi sự giày vò của những kí sinh trùng này, cá voi có thể liều mạng tìm đến một khu vực nước ngọt có thể trừ được rận cá, như các vịnh nhỏ, cửa sông v.v.. Một khi đến được nơi nước ngọt thì rận cá sẽ rời bỏ cá voi ngay. Nhưng trong vùng nước ngọt, thường do nước thuỷ triều xuống mà bị mắc cạn, làm cho cá voi có thân hình to lớn đồ sộ như vậy không thể quay trở về được với biển cả nữa.
Đến lúc này, bí ẩn vẫn chưa được tiết lộ một cách triệt để, các nhà khoa học còn chưa tìm thấy biện pháp tương ứng để ngăn chặn quy trình đổ bộ của loài cá voi. Vì vậy, câu hỏi lớn về tự nhiên này vẫn thu hút nhiều người đi tìm rõ ngọn nguồn.