Tại sao đèn sau của xe đạp không có bóng đèn mà lại có thể lấp lánh ánh sáng?
Trên cái chắn bùn đằng sau xe đạp có một đèn màu đỏ hoặc màu da cam. Điều thú vị là bên trong đèn không có bóng đèn, nhưng khi nhìn vào ta lại thấy lấp lánh ánh sáng, nhất là vào ban đêm, ánh sáng của nó càng rõ. Tại sao vậy?
Ngay từ năm 30 của thế kỷ XX, xe đạp đã trở thành phương tiện giao thông thời thượng ở một vố vùng thành thị. Tuy nhiên, vào ban đêm, xe đạp đi đi lại lại khắp đầu đường ngõ phố đã gây nên nhiều phiền toái cho ô tô, sự cố giao thông xảy ra thường xuyên. Thế là, Chính phủ Anh đã yêu cầu các nhà sản xuất xe đạp cần phải lắp đèn chiếu sáng và kính phản quang ở trước và sau xe đạp. Trong đó việc thiết kế kính phản quang đã làm cho các nhà sản xuất rất đau đầu, bởi vì các kính phẳng thông thường không thể phản xạ ánh sáng của ô tô trở lại theo "đường cũ". Qua nhiều lần nghiên cứu nguyên lý phản xạ của tia sáng, cuối cùng người ta đã chế tạo ra một cơ cấu phản xạ khá lý tưởng. Bề mặt của nó là một tấm kính phẳng, bên trong có nhiều hình chóp, mỗi hình chóp có ba mặt côn thẳng góc với nhau hợp thành, hình thành ba mặt phản xạ ánh sáng. Đó là bộ phản xạ góc. Vì 3 mặt phản xạ của bộ phận của bộ phản xạ góc thẳng góc với nhau, cho nên dù ánh sáng chiếu vào mặt kính ở bất cứ góc độ nào, thì ánh sáng vẫn phản hồi trở lại theo phương hướng ban đầu một cách "thần kỳ", điều đó khiến cho người lái ô tô đi đằng sau xe đạp, dù ở góc độ nào cũng thấy được ánh sáng phản xạ. Hơn nữa, ở bộ phận phản xạ góc người ta dùng kính màu đỏ hoặc màu da cam, cho ánh sáng phản xạ trở thành màu đỏ hoặc màu da cam có "sức xuyên qua" rất mạnh, nên càng có thể gây chú ý của thị giác. Ngoài ra, kính phản quang màu đỏ có vẻ đẹp riêng, lắp đằng sau như một vật trang trí cũng khá tuyệt đấy chứ!
Đặc tính quang học mà bộ phản xạ góc có được đã gây nên sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học, nó đã được sử dụng trong việc thăm dò Vũ Trụ. Với bộ phản xạ góc khá lớn chế tạo bằng thạch anh (quartz) có thể lắp trên vệ tinh nhân tạo, ngoài ra còn được đặt trên những địa điểm khác nhau của bề Mặt Trăng. Khi con người từ Trái Đất phát tia laze lên Mặt Trăng, các bộ phản xạ góc đó có thể phản xạ các tia sáng đó trở về máy phát, các nhà khoa học nhờ đó để nghiên cứu Vũ Trụ. Do vậy, có thể thấy rằng, công dụng của bộ phản xạ góc nho nhỏ đó lại không nhỏ chút nào!