Tại sao khi đi xe đạp, xe không bị đổ?
Trong đời sống, chúng ta đều có kinh nghiệm như thế này: Một vật thể cần phải có ba điểm tựa mới có thể bình ổn chẳng hạn như máy chụp ảnh có giá ba chân khi chỉnh phải dựa vào tường mới không bị đổ. Khi để xe đạp hai bánh trước và sau là hai điểm tựa, cần phải có một điểm thứ ba nữa - cái chân chống - mới đứng được. Tuy nhiên, chiếc xe đạp chỉ có hai điểm tựa, nhưng khi chạy lại không bị đổ, là thế nào?
Trước khi trả lời vấn đề này, ta hãy làm một thí nghiệm nhỏ, đơn giản: Ta dùng ngón cái và ngón trỏ xoay mạnh đầu nhọn một cái đinh mũ rồi ném lên mặt bàn, cái đinh có thể tựa vào đầu nhọn và quay thẳng đứng trên mặt bàn, cho đến khi dừng lại mới đổ xuống. Ta lại lấy một đồng xu, hai ngón tay kẹp vào đồng xu rồi ấn nhẹ lên mặt bàn và xoay mạnh đồng xu cũng quay trên mặt bàn, cho đến khi sắp dừng lại mới đổ xuống.
Hai sự thực đó nói với chúng ta một nguyên lý khoa học: Một vật thể chuyển động với tốc độ nhanh đều có khả năng cố duy trì cho chiều của trục quay không đổi? Mà bánh trước và bánh sau xe đạp khi chạy là hai vật thể quay nhanh, nên nó cũng có khả năng như vậy, do vậy mà khi xe đạp chạy không bị đổ.
Người cưỡi trên xe đạp, có khi có thể làm cho xe đạp nghiêng về một bên làm mất thăng bằng, lúc này chỉ cần quay thẳng ghi đông, thì có thể điều chỉnh được vị trí bánh trước, hơn nữa, người ngồi trên xe cũng không ngừng thay đổi tư thế do phản xạ có điều kiện khiến cho xe luôn ở trạng thái thăng bằng.
Khi xe đạp dừng lại, bánh xe không quay nữa, không còn khả năng tự động duy trì chiều trục quay không đổi nữa, xe dễ dàng đổ xuống. Nếu không dùng chân chống mà muốn chiếc xe không đổ, thì có thể dựa vào động tác thăng bằng của người ngồi trên xe giữ cho xe đứng yên. Các diễn viên xiếc có thể biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc ở trên một chiếc xe đạp đứng yên, chính là vì họ đã nắm vững thành thạo các kỹ xảo giữ thăng bằng.