Tại sao không có không khí thì thực vật không thể sống được?
Thực vật cũng giống như động vật, mỗi một quá trình sinh sống của chúng đều không ngừng hô hấp. Chúng hô hấp suốt ngày đêm, hút khí oxi và nhả khí cacbonic. Điều khác ở chỗ là thực vật vào ban ngày ngoài tác dụng hô hấp, còn phải lợi dụng khí cacbonic để tiến hành sự quang hợp, mà trong điều kiện bình thường, tác dụng quang hợp có cường độ vượt qua tác dụng hô hấp. Cũng giống như chúng ta ban ngày phải ăn cơm, thực vật dưới ánh sáng Mặt Trời, lấy khí cacbonic trong không khí và nước cùng chất khoáng hấp thụ ở phần rễ, nhờ tác dụng của chất diệp lục ở trong lá để tạo ra chất hữu cơ cần thiết như đường, protein và mỡ để nuôi sống cơ thể.
Thông thường, trong không khí ngoài oxi và nitơ ra còn có chứa 0,03% cacbonic, nếu bạn tăng nồng độ của nó lên, thì cường độ quang hợp cũng tăng cao. Có người dùng cacbonic ở dạng lỏng, dần dần cho bay hơi ở trong phòng kính hoặc phòng ấm vào mùa đông đã giúp cây dưa chuột, cà chua v.v. trồng ở trong đó tăng trưởng tốt hơn, sản lượng quả cũng tăng cao. Vì tăng nồng độ cacbonic sẽ có hiệu quả thúc đẩy nhụy cái phát triển.
Rõ ràng không khí rất quan trọng đối với thực vật. Không có không khí thực vật sẽ bị bí hơi mà chết và chết đói. Mặc dù thực vật bình thường ngoài việc tạo ra những thức ăn cần thiết cho cơ thể của chúng còn dự trữ một số thức ăn dư thừa chưa cần đến. Tuy nhiên những thứ mà cơ thể thực vật dự trữ rốt cục cũng có hạn, “ăn” hết là chết đói. Ngoài ra cũng vì năng lượng của thực vật phải thông qua tác dụng hô hấp làm phân giải các chất dinh dưỡng hữu cơ mà có, do đó không thể ngừng hô hấp một giây phút nào. Nếu không có oxi, thực vật cũng không có sức để hoạt động. Dùng một chuông thủy tinh kín chụp vào một cái cây, không đến hai ngày cây sẽ héo rũ. Có trường hợp ruộng bị ứ nước dài ngày, rễ của cây đậu tương, cây bông v.v. do thiếu oxi không thể hô hấp bình thường mà chết, cũng bởi lẽ đó.