Tại sao tàu thuyền có thể qua lại dễ dàng ở đập Cát Châu?
Năm 1984, trên sông Trường Giang ở thành phố Nghi Xương thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, người ta xây dựng một con đập ngăn nước lớn, dài 2595 m, cao 47 m, đó là con đập của nhà máy thủy điện đập Cát Châu nổi tiếng. Xây dựng thành công đập Cát Châu, không những đã cung cấp một lượng điện năng phong phú cho các vùng chung quanh, mà còn cải thiện rất nhiều điều kiện vận tải đường sông thuộc vùng trung du và thượng du sông Trường Giang. Có lẽ bạn sẽ rất lấy làm lạ, chiều cao mực nước ở hai bên con đập lớn chênh lệch nhau đến mấy chục mét, các tàu thuyền qua lại trên sông Trường Giang thuận tiện không?
Số là, ở quãng giữa đập Cát Châu dài và rộng, người ta xây một âu thuyền lớn nhất ở trong nước, nó giống như một cái hộp hình chữ nhật, dài 280 m, rộng 34 m, đó là khu vực quá độ cho tàu thuyền đi qua đập có độ chênh lệch mực nước rất lớn đó, nó là một âu thuyền đóng kín bởi các cửa đập trên và dưới. Khi tàu thuyền chạy xuôi theo dòng nước, đầu tiên qua cửa trên để vào âu thuyền, sau đó đóng cửa trên lại, nước ở trong âu thuyền được xả ra theo đường ống, tàu thuyền được hạ thấp dần theo mực nước. Khi mực nước ở trong âu thuyền ngang bằng với mực nước ở phía hạ lưu, thì có thể mở cửa dưới, tàu thuyền sẽ giống như đã xuống một bậc thềm, từ âu thuyền chạy ra mặt sông rộng lớn. Trái lại khi tàu thuyền từ phía hạ lưu chạy lên, thì trước tiên người ta cho nước vào âu thuyền, khiến cho thân tàu cũng nâng lên cao dần theo với mực nước được dâng lên, cho đến khi ngang bằng với mực nước ở thượng lưu.
Cửa đập ở trên âu thuyền đập Cát Châu cực kỳ lớn, chiều rộng mỗi cánh cửa là 19,7 m, cao 34 m, dày 2,7 m nặng đến 600 tấn. Mỗi cửa đập to và nặng như thế, đương nhiên cần dựa vào sự điều khiển bằng cơ giới mới đóng mở được, ở trên âu thuyền có nhiều trang thiết bị chỉ huy bằng tín hiệu và hệ thống điều khiển bằng vi tính, quá trình tàu thuyền qua đập được thực hiện tự động hoá hoàn toàn.