Tại sao thông tin trở thành căn cứ của quyết sách?
Vào cuối thu năm 1794, khi Napôlêông đưa quân vào Hà Lan, Hà Lan đã cho mở các cửa đập của các con sông để ngăn chặn bước tiến của đại quân Pháp do Thống chế Sác Pisgliu (thầy của Napôlêông) chỉ huy. Đang lúc đội quân của Pisgliu không cách nào tiến vào và chuẩn bị phải rút lui thì bỗng Pisgliu phát hiện ra những con nhện trên cành cây đang nhả hàng loạt tơ để chăng lưới. Đó là dự báo đợt khí lạnh sắp tràn xuống. Dựa vào hiện tượng này, Pisgliu liền ra lệnh ngừng rút quân và chuẩn bị tấn công. Chẳng bao lâu, đợt gió lạnh thổi tới, trong một đêm mặt sông đã đóng băng và quân Pháp đã dễ dàng vượt qua sông Wahl, đánh chiếm ngay thành Oatéclô.
Quyết sách này được đưa ra trên cơ sở những kiến thức quân sự, khoa học phong phú của Pisgliu. Mọi người đều biết, khi bầu trời dày đặc mây đen thì báo tin có thể sắp mưa, con nhện nhả tơ thì báo tin gió lạnh sắp thổi về, khí lạnh đến mặt sông sẽ đóng băng.
Quyết sách mà người ta thường nói tới chính là việc đưa ra quyết định. Quyết sách là hoạt động quan trọng trong xã hội loài người, liên quan tới mọi lĩnh vực của đời sống loài người. Việc chỉ huy quân sự, chẩn đoán điều trị, biên đạo kịch, cấu tứ sáng tác, điều hành giao thông, đổi mới kỹ thuật công nghệ, phát minh khoa học đều gắn liền với quyết sách. Quá trình quyết sách là quá trình thu thập thông tin, tư duy, suy lý và cuối cùng là đưa ra quyết định.
Ta dễ dàng nhận thấy thông tin là cơ sở và căn cứ của quyết sách, nếu không có khối lượng thông tin lớn thì không thể bước vào tư duy, suy lý để rồi đưa ra quyết sách.
Có người nói không có thông tin thì không có quyết sách, xem ra là có lí. Bởi lẽ không có thông tin làm chỗ dựa thì không thể đưa ra quyết sách khoa học - mọi quyết sách đúng đắn đều gắn liền việc thu thập thông tin, chỉnh lý, phân tích và nghiên cứu. Còn sự sai lầm của một quyết sách là kết quả của việc coi nhẹ thông tin và việc dự đoán sai về tương lai.