Tại sao trong thực vật lại có điện?
Nói trong cơ thể thực vật có điện, bạn có thấy kỳ lạ không? Thực vật và động vật đều là những sinh vật sống. Cuộc sống của thực vật có khi có thể sản sinh ra điện trường và dòng điện gọi là điện sinh vật. Trong cơ thể một số động vật, hiện tượng này rất rõ ràng, ví dụ như một loài cá gọi là cá điện, nó có thể dùng điện sinh vật để tấn công loài động vật nhỏ hơn để làm thức ăn.
Điện trong cơ thể thực vật rất yếu, nếu không dùng những dụng cụ đo chính xác thì khó mà biết được. Nhưng yếu không có nghĩa là không có. Vậy điện trong cơ thể thực vật được sản sinh như thế nào? Nguyên nhân có rất nhiều, thường là sản sinh trong quá trình hoạt động sinh lý, ví dụ như bộ rễ, dòng điện có thể truyền từ bộ phận này sang bộ phận khác. Nguyên nhân dẫn đến sự chuyển dịch dòng điện là mối quan hệ của các tế bào rễ đối với sự hấp thụ và phân bố không cân bằng của các nguyên tố chất khoáng. Giả sử như đem rễ cây đậu non nuôi trồng trong dung dịch có chứa kali clorua, các ion kali clorua sẽ ngấm vào rễ, các ion kali tập trung về phía các tế bào tại ngọn rễ, do các ion âm trong tế bào phần trên tạo ra có nồng độ cao và ngọn rễ lúc này có nhiều ion dương, nên kết quả là dòng điện chuyển hướng về phía cực dương. Thế nhưng cường độ dòng điện rất nhỏ, theo tính toán nguồn điện phải cần 100 tỷ chiếc rễ mới có thể thắp sáng một bóng đèn 100 W. Do đó, có người đã so sánh sự phát điện của cây đó như một máy phát điện siêu nhỏ.
Do sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, đến nay các nhà khoa học coi điện sinh vật như một chuyên ngành để nghiên cứu, và gọi ngành khoa học mới đó là điện sinh lí học.