Trời biết, đất biết, ta biết

Năm 1504, vua Lê Hiến Tông băng hà, di chiếu lập người con thứ ba tên là Thuần (tức vua Túc Tông sau này), chứ không lập con thứ hai là Tuấn (tức vua Uy Mục sau này), vì người con này bất tài, vô đạo. Người được nhà vua uỷ thác thực hiện di chiếu là tiến sĩ Đàm Văn Lễ, một vị đại thần thanh liêm, chính trực.

Đêm ấy, trời đã rất khuya, nhà tiến sĩ họ Đàm vẫn còn một vị khách đến thăm. Vị khách lạ cúi rạp người trước chủ nhân:

– Bẩm tướng công, tôi là người nhà quan Nguyễn Kinh Kỷ. Quan ngài sai tôi đem biếu tướng công 30 lạng vàng…

Nghe khách nói, Đàm Văn Lễ rất ngạc nhiên. Sau, ông hiểu việc này có liên quan đến di chiếu của vua Lê Hiến Tông. Kẻ cầm đầu bọn cơ hội trong triều là Nguyễn Kinh Kỷ cho người mang vàng đến đút lót ông hòng sửa di chiếu, đưa hoàng tử Tuấn lên ngôi thay thái tử Thuần.

Thấy tiến sĩ họ Đàm trầm ngâm suy nghĩ, người khách tâu thêm :

– Xin tướng công nhận cho. Giữa đêm khuya thanh vắng, không ai biết việc này đâu ạ.

Đàm Vãn Lễ nghiêm mặt:

– Ông nhầm to! Việc này có trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao ta có thể làm điều xấu xa đó!

Người khách hiểu bạc vàng không thể mua được Đàm Văn Lễ, không dám ngẩng mặt, vội tháo lui.

Xem thêm