Vì sao cơ thể người có thể hấp thụ chỉ khâu vết mổ sau khi tiến hành phẫu thuật?
Trong khi tiến hành các ca phẫu thuật người ta thường phải khâu vết mổ bằng chỉ khâu đặc biệt. Có điều hết sức thú vị là các cơ quan trong cơ thể như huyết quản, thần kinh, cơ quan nội tạng phải dùng các loại chỉ khâu chế tạo bằng các chất có thể hấp thụ thì sau khi phẫu thuật mới không gây nhiều phiền phức cho người đã phẫu thuật. Thế thì loại vật liệu nào có thể làm chỉ khâu các vết thương trong nội tạng. Vì sao cơ thể người có thể hấp thụ các loại chỉ khâu này?
Trước đây loại chỉ khâu truyền thống là chỉ ruột dê. Đây là loại chỉ được chế tạo bằng protein động vật. Protein là loại hợp chất mà cơ thể người có thể hấp thụ, tiêu hoá. Thường ngày khi chúng ta ăn thịt, cá, gà, vịt là những protein động vật. Các protein thông qua tác dụng men thủy phân (hyđrolitic enzim) các protein trong cao phân tử phân giải thành các phân tử nhỏ được cơ thể người hấp thụ tiêu hoá.
Thế nhưng khi dùng chỉ ruột dê để khâu miệng vết thương, người bệnh có cảm giác đau căng ở chỗ khâu. Trong cơ thể người có nhiều loại men, enzim, mỗi loại men, enzim là một chất xúc tác làm cho tốc độ phân giải của chỉ ruột dê xảy ra với tốc độ lớn. Ở những bệnh nhân mổ các cơ quan nội tạng, huyết quản, trong thời gian đầu chỉ ruột dê phân giải chậm. Khi các cơ quan nội tạng, huyết quản nhu động, chỉ ruột dê có thể bị duỗi ra. Vì vậy các vết mổ sẽ có cảm giác căng đau. Do đó chỉ ruột dê không phải là chỉ khâu lý tưởng cho cơ thể.
Vì vậy các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu tìm các loại vật liệu mới, hy vọng tìm được loại vật liệu mà cơ thể có thể hấp thụ nhưng tốc độ phân giải không quá lớn. Qua nhiều nỗ lực, người ta đã tìm được loại nhựa polyetyl. Đây là loại vật liệu sợi tổng hợp, mà dưới tác dụng của môi trường kiềm hoặc axit trong cơ thể, vật liệu sợi này phân giải chậm thành các phân tử nhỏ, nhưng không bị men proteinaza thuỷ phân. Vì vậy tốc độ phân giải của vật liệu sợi này rất chậm so với chỉ ruột dê nên có thể duy trì tốc độ phân giải không thay đổi. Do đó trong toàn bộ thời gian sợi chỉ tồn tại trong cơ thể, sợi chỉ phân giải chậm, cuối cùng được cơ thể hấp thụ, nhờ vậy mà người đã qua giải phẫu không bị đau.
Thế thì loại sợi tổng hợp này có hại gì cho cơ thể không?
Điều này không cần phải lo ngại. Bởi vì sự phân giải của loại sợi này không tiêu tốn men, enzim của cơ thể. Các sản phẩm phân giải không tham gia quá trình đồng hoá của cơ thể mà cuối cùng bị cơ thể bài tiết ra ngoài. Đối với người bệnh, sợi tổng hợp chỉ có phản ứng rất nhỏ đối với các tổ chức trong cơ thể. Vì vậy đây là loại chỉ khâu thích hợp cho việc khâu các cơ quan nội tạng.
Đương nhiên do các vết thương của cơ quan nội tạng được lành miệng theo các điều kiện khác nhau, cho nên việc sản xuất chỉ khâu các cơ quan nội tạng khác nhau sẽ cần các loại sợi khác nhau.