Vì sao dấu ấn đỏ không bị nhạt màu?
Có những bức hoạ cổ hoặc do thời gian đã quá lâu, hoặc do bảo quản không tốt, màu sắc tờ giấy có thể thay đổi. Thế nhưng dấu ấn của tác giả đóng trên bức hoạ vẫn giữ nguyên màu đỏ tươi. Cho dù vết dấu ấn chỉ là mờ mờ hoặc rõ thì chất lượng dấu ấn vẫn rất tốt, màu đỏ vẫn tươi. Trải qua mấy chục năm thậm chí đến mấy trăm năm, màu đỏ vẫn đẹp, không có gì thay đổi.
Vết mực dấu đỏ tại sao lại không hề đổi màu? Màu đỏ dấu ấn được chế tạo bằng chu sa (thuỷ ngân sufua), dầu thực vật và một ít vật liệu sợi làm mềm. Vào thời cổ xưa, các danh hoạ thường thích dùng loại vật liệu quý để làm mực dấu, trong đó có asen, hạt trai, đá quý, san hô, mã não, mica, vàng nghiền thành bột mịn, nên vĩnh viễn không bị nhạt màu. Rõ ràng không phải tất cả các vật liệu đã dùng đều là quý giá cả.
Chu sa chính là thuỷ ngân sunfua dạng kết tinh, là loại khoáng vật màu đỏ tươi. Trung Quốc là nước nghiên cứu và sử dụng chu sa sớm nhất. Từ 2500 trước đã có người chú ý sử dụng chu sa. Nét vẽ trên bức hoạ có thể bị nhạt màu do các phân tử chất màu đã tác dụng với oxy của không khí bị oxy hoá thành các oxit. Thuỷ ngân sunfua không hề chịu tác dụng của không khí nên giữ nguyên diện mạo trong suốt thời gian dài, hầu như vĩnh cửu, nên màu đỏ mực dấu không hề thay đổi theo thời gian.
Vì chu sa chứa thuỷ ngân nên người ta lo ngại khi sử dụng. Ngày nay để chế tạo mực dấu người ta đã dùng phẩm màu để thay chu sa. Độ bền của loại mực dấu này đương nhiên không thể bền như chu sa.
Chu sa còn có tên là thần sa vì thời xưa chu sa được khai thác tại Thần Châu (thuộc dãy Thần Khê, tỉnh Hồ Nam).