Vì sao gọi phích nước nóng là không chính xác?

Chúng ta thường quen gọi phích giữ nhiệt là phích nước nóng, bởi vì trong gia đình chúng ta thường đổ nước sôi vào trong phích để giữ nhiệt. Độ nóng cửa nước sôi sẽ được giữ trong một thời gian khá dài. Nhưng, bạn có biết trên thực tế, gọi nó là phích nước nóng là không chính xác không?

Tên gọi ban đầu của phích giữ nhiệt là phích Dewar. Nó là phát minh của nhà khoa học Dewar. Khi phát minh ra, phích Dewar không phải dùng để đựng nước nóng, mà ngược lại dùng để đựng các loại khí hóa lỏng có nhiệt độ rất thấp. Cho nên, tên gọi phích giữ nhiệt là rất hợp với nó! Cho dù là đựng nước nóng hay khí hóa lỏng, nó đều có thể duy trì được nhiệt độ của chất lỏng trong một thời gian tương đối dài.

Vì sao phích giữ nhiệt lại có thể giữ ấm được? Chủ yếu là do kết cấu đặc trưng của ruột phích quyết định. Ruột giữ nhiệt được cấu thành từ hai lớp vỏ thủy tinh mỏng, giữa hai lớp này được hút hết không khí tạo thành chân không, ngoài ra ruột phích còn được tráng một lớp bạc mỏng. Phía trên của ruột phích là miệng phích rất nhỏ, trên miệng có một nắp bằng gỗ dùng để đậy kín miệng phích lại.

Chúng ta đều biết rằng, nếu để một cốc nước nóng ra ngoài không khí, cốc nước sẽ bị nguội đi rất nhanh. Đây chính là do nhiệt lượng của nước đã bị truyền dẫn, đối lưu, bức xạ, làm cho nó nhanh chóng tán phát hết nhiệt lượng, khiến nhiệt độ của nó bằng với nhiệt độ môi trường. Còn khi nước được chứa trong phích giữ nhiệt, đường đối lưu của nhiệt bị cắt đứt. Do miệng phích nhỏ, lại bị nút chặt, không khí nóng trong phích không thể thoát ra ngoài được, không khí lạnh ở ngoài cũng không thể xâm nhập vào, nhiệt lượng không thể thông qua đối lưu mà tán phát. Nếu như xung quanh ruột phích có không khí, cho dù tính năng dẫn nhiệt của không khí có kém hơn một số vật làm bằng kim loại, nhưng nhiệt lượng trong ruột phích vẫn có thể thông qua vỏ thuỷ tinh bên trong truyền đến vỏ ngoài của ruột phích. Tuy nhiên, giữa hai tầng thuỷ tinh của ruột phích là chân không, không khí trở nên cực loãng, đường truyền nhiệt cũng đã bị cắt đứt. Bức xạ nhiệt cũng bị cắt đứt. Do thành ruột phích đã được tráng một lớp bạc mỏng, nên bức xạ nhiệt lượng sẽ bị lớp bạc mỏng phản xạ trở lại, vì vậy con đường bức xạ cũng bị cắt đứt.

Do cả ba con đường truyền nhiệt đều bị cắt đứt, nên những tổn thất nhiệt lượng là rất ít. Chính vì vậy mà phích giữ nhiệt mới có thể giữ được nhiệt. Ngày nay, chúng ta đều biết rằng, phích giữ nhiệt không chỉ được dùng để đựng nước nóng, mà nó còn được dùng để giữ ấm những đồ lạnh. Ví dụ như khi đi chơi bạn có thể dùng phích giữ nhiệt để đựng kem. Do vậy, phải gọi nó là phích giữ nhiệt độ sẽ chính xác hơn khi gọi nó là phích nước nóng.

Xem thêm