Vì sao miền Nam Trung Quốc nhiều mỏ kim loại màu còn miền Bắc nhiều mỏ năng lượng?

Nguồn khoáng sản của Trung Quốc rất phong phú. Những loại quặng trên thế giới đã phát hiện thì hầu như ở Trung Quốc đều tìm thấy nhưng sự phân bố rất không đồng đều. Ví dụ mỏ kim loại màu của Trung Quốc phần nhiều ở phía nam còn các mỏ năng lượng như dầu mỏ, than đá phần nhiều ở phía bắc. Cho nên đã tồn tại lâu dài tình trạng vận chuyển than đá từ phương Bắc xuống phương Nam, còn các xí nghiệp công nghiệp nặng ở phía bắc lại phải nhập nguyên liệu kim loại màu từ phương Nam lên. Sự hình thành cục diện mất cân bằng này, cần phải xuất phát từ đặc điểm quá trình hình thành khoáng vật khác nhau mà xét.

Khoáng sản có thể chia làm hai loại là khoáng sản kim loại và khoáng sản phi kim loại. Trong khoáng sản kim loại lại chia thành kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý, kim loại hiếm, các nguyên tố phân tán và các nguyên tố phóng xạ. Từ nguyên nhân hình thành mà xét thì khoáng sản kim loại nói chung có liên quan với hoạt động của nham tương dưới đất. Trong quá trình nham tương phun lên, vì áp suất bị giảm thấp, nhiệt độ giảm xuống nên các loại khoáng vật trong nham tương do các tính chất vật lý như điểm nóng chảy, tỉ trọng khác nhau mà phân biệt kết tinh, tập trung và hình thành những vỉa quặng ở những độ sâu khác nhau. Đương nhiên do ảnh hưởng của ngoại lực tác dụng như sự nâng lên của vỏ Trái Đất cũng như sự phong hoá và xâm thực, khiến cho một phần khoáng sản bị vận chuyển đến những khu vực lân cận, hình thành nên những khoáng sản ngoại sinh.

Ở Trung Quốc có ba đới cấu tạo theo hướng đông - tây lớn nhất. Nhiều lần vận động tạo thành núi, dẫn đến sự hoạt động của nham tương nhiều kỳ, sản sinh ra quá trình thành quặng nhiều lần. Do đó phạm vi phân bố quặng kim loại của Trung Quốc rất rộng. Nhưng đới cấu tạo theo hướng đông - tây của âm sơn - Thiên Sơn và đới cấu tạo Tần Lĩnh - Côn Sơn so với đới cấu tạo Nam Lĩnh thì mức độ vận động tạo thành núi mãnh liệt và dồn dập hơn nhiều. Đới cấu tạo Nam Lĩnh hình thành vào thời kỳ vận động tạo núi Ralitung, sau đó chịu ảnh hưởng của nhiều lần vận động tạo núi Hoalytây, Inđô, Yến Sơn và dãy Hymalaya, nhất là sự vận động tạo núi Hoalytây và Yến Sơn mãnh liệt nhất. Từ cấu tạo mà xét, hệ thống cấu tạo dãy nam Lĩnh theo hướng vĩ độ xen kẽ với các hệ cấu tạo Hoa Hạ theo hướng đông bắc - tây nam, hệ cấu tạo theo hướng kinh tuyến nam - bắc, hệ cấu tạo vòng cung Chân Tây - Tây Tạng. Cho nên từ ba phương diện: thời kỳ tạo thành mỏ, cấu tạo và tính chất đất đá phân tích tổng hợp lại của thời kỳ Yến Sơn, đại Tân sinh, Trung Quốc vẫn là nước hình thành các mỏ kim loại màu quan trọng nhất trên thế giới. Cấu tạo càng phức tạp thì hoạt động của nham tương càng mạnh mẽ, các nguyên tố kim loại màu và kim loại hiếm trong nham tương trung tính và có tính axit hàm lượng càng cao. Ba điều kiện trên đây đới cấu tạo Nam Lĩnh đều có, vì vậy miền Nam Trung Quốc có nhiều mỏ kim loại màu là điều đương nhiên.

Mức độ hoạt động mãnh liệt của nham tương ở miền Nam Trung Quốc đại thể lấy các bồn địa Tứ Xuyên, cao nguyên Quý Châu làm trung tâm, có hình thái phân bố đối xứng theo hướng đông - tây lấy cao nguyên Quý Châu làm trung tâm. Từ trung tâm đới mỏ được hình thành từ chất lỏng ở nhiệt độ thấp quá độ sang đới mỏ được hình thành bởi chất lỏng ở nhiệt độ cao, ở giữa gồm thuỷ ngân, stibi quá độ sang hai bên là các vỉa đồng, chì, kẽm, vonfram, molipđen… Xem bản đồ phân bố mỏ kim loại màu của Trung Quốc thì sẽ rõ điều đó.

Các mỏ năng lượng là một loại mỏ trầm tích, đa số phân bố ở những khu vực hoạt động vỏ Trái Đất không mạnh lắm, hoặc ở những chỗ có hệ thống cấu tạo tương đối ổn định.

Miền Bắc đới cấu tạo Âm Sơn - Thiên Sơn ở phía bắc Trung Quốc ở đại Trung sinh bắt đầu hình thành những vùng trũng tương đối ổn định, cho nên mỏ than và dầu mỏ dễ hình thành ở đại Trung sinh và đại Tân sinh. Khu vực vùng trũng nằm giữa đới Âm Sơn - Thiên Sơn và đới cấu tạo Tần Lĩnh - Côn Sơn trở thành lục địa đã rất lâu đời, sự hoạt động của vỏ Trái Đất tương đối chậm chạp, từ trước kỷ Chấn đán đến đại Trung sinh, Tân sinh đều có sự trầm tích hình thành mỏ, cho nên các mỏ trầm tích ở miền Bắc Trung Quốc rất nhiều, đặc biệt là than đá và dầu mỏ.

Nhưng có thể nói phương Nam không có mỏ than và dầu mỏ được không? Không thể nói như thế được. Đó là vì cấu tạo chất ở miền Nam phức tạp, chịu ảnh hưởng lớn của vận động dải Yến Sơn, các vết nhăn và vết gãy, hoạt động nham tương mãnh liệt, thường xuất hiện hiện tượng địa tầng bị lật ngược, các tầng than đá thường bị đá lửa và các bồn địa trầm tích ở đại Trung sinh, Tân sinh phủ lấp, do đó việc thăm dò và khai thác rất khó khăn. Lấy mỏ dầu mà nói, căn cứ lý luận trầm tích thành dầu mỏ của nhà địa chất học Lý Tứ Quang Trung Quốc, thì miền Đông Hoa Hạ Trung Quốc ở ba đới trầm tích đều có điều kiện hình thành mỏ dầu, vì vậy nên không tồn tại vấn đề miền Nam không có mỏ dầu, chỉ vì điều kiện như nhau thì ở miền Bắc dễ khai thác, do đó được khai thác trước mà thôi.

Xem thêm