Vì sao người ta ví mắt với máy ảnh?
Có người nói, hai mắt giống như hai máy ảnh đặt trên đầu, ví von như thế rất có lý. Bên ngoài nhãn cầu là tầng giác mạc không màu, trong suốt, giống như ống kính của máy ảnh. Do luôn được nước mắt bôi trơn nên nó thường ướt, không bị bụi che.
Ở giữa nhãn cầu có một lỗ nhỏ gọi là đồng tử, ánh sáng từ bên ngoài thông qua đồng tử đi vào võng mạc ở đáy nhãn cầu. Khi máy ảnh chụp ảnh, người ta thường căn cứ vào độ sáng tối của ánh sáng mà điều chỉnh ống kính. Đồng tử cũng tương tự, khi ánh sáng mạnh quá thì đồng tử thu nhỏ lại, cản bớt lượng ánh sáng. Khi ánh sáng yếu, đồng tử lại tự động mở ra.
Khi từ ngoài sáng bước vào phòng tối, ta lập tức cảm thấy trước mắt là một đám tối đen, không trông rõ rệt vật gì, sau một thời gian ngắn mới thích nghi được. Đó là vì con người khi từ chỗ sáng đi vào chỗ tối, đồng tử phải dần dần mở ra cho đến khi thích ứng được với môi trường tối, ta mới nhìn thấy. Trong máy chụp ảnh, phim là bộ phận cảm quang cuối cùng để thành ảnh. Võng mạch của mắt cũng có công năng tương tự. Trên võng mạc có vô số tế bào cảm quang. Khi tiếp thu được các tín hiệu kích thích của ánh sáng, chúng sẽ biến tín hiệu đó thành xung thần kinh, thông qua thần kinh thị giác truyền lên đại não. Nhờ vậy, con người có thể cảm nhận được một cách chân thực hình ảnh và màu sắc của mọi vật ở bên ngoài.