Vì sao thung lũng sông Yalupuzeng có nguồn địa nhiệt phong phú?
Sông Yalupuzeng đẹp đẽ chảy qua giữa hai ngọn núi Hymalaya và Wangtixơ. Đó là một vùng thung lũng rộng và bằng phẳng, nhưng dưới chân nó rất không yên tĩnh mà có núi lửa hoạt động, luôn phun ra nham tương, làm cho nước bị nóng sôi lên, có những chỗ biến thành hơi nước ở nhiệt độ cao. Chúng phun lên mặt đất dưới nhiều dạng, hình thành suối nước ấm, suối nước nóng, suối nước sôi và các hồ nước nóng (giếng Dương Bát có hồ nước nóng, nhiệt độ nước bề mặt 45°C, sâu 16,1 m, cột nước cao 50 - 60 m) có các vòi phun khí và vòi phun hơi nước… Có những dòng nước chảy thường xuyên, có những dòng nước gián đoạn, có những nơi, nước lẫn hơi nước, nổ lụp bụp. Ví dụ khu vực nước nóng Khúc Phổ năm 1975 bùng nổ một lần, nước lẫn với hơi nước phun cao 800-900 m, đường kính miệng phun 25 m. Các nguồn nước nóng thiên nhiên trên đây đã mang lại sự ấm áp cho vùng cao nguyên lạnh giá này. Lấy giếng Dương Bát làm ví dụ, lượng nước nóng tự nhiên của nó là 107.000 l/s.
Nguồn nhiệt năng trong lòng đất nhiều nơi có, nhưng không phải chỗ nào cũng lộ ra bề mặt. Hình thức địa nhiệt lộ ra bề mặt chủ yếu là nước nóng và khí nóng. Vậy điều kiện địa chất nào mới biến cho khu vực đó địa nhiệt dễ bộc lộ ra? Đó chính là những chỗ vỏ Trái Đất có những nếp gãy lớn. Theo học thuyết cấu tạo mảng thì vùng bồn địa Yalupuzeng đúng là chỗ gặp nhau của mảng Á - Âu và mảng Ấn Độ, vùng đó còn nằm vào khu vực vỏ Trái Đất nâng lên ở thời kỳ non trẻ nhất trên thế giới, cho nên hoạt động của cấu tạo rất mạnh, hoạt động nham tương liên tục xảy ra. Ngoài ra vùng bồn địa này, ngoài sự gãy nứt theo hướng đông - tây, còn có sự gãy nứt theo hướng nam - bắc, nên tạo điều kiện cho chất lỏng đối lưu tốt. Nham tương nóng chảy đã làm cho nước và hơi nước ở nhiệt độ cao phun ra theo những khe nứt của mặt đất. Theo kết quả khảo sát, khu vực Tây Tạng có trên 420 giếng nước nóng, tổng lượng dòng nước nóng là 55 vạn l/s tương đương với nhiệt lượng hằng năm đốt 2,4 triệu tấn than tiêu chuẩn thu được.
Nguồn địa nhiệt phong phú không những cung cấp cho sản xuất và đời sống của nhân dân mà còn là nguồn nước để tưới ruộng, cung cấp cho việc chữa bệnh đối với những loại bệnh thường phát sinh ở cao nguyên và là nguồn tài nguyên du lịch.
Sự điều tra nguồn địa nhiệt vùng thung lũng sông Yalupuzeng mới chỉ bắt đầu. Chúng ta tin chắc rằng, giống như vết nứt mảng của những chỗ khác trên thế giới, ở đây cũng có nguồn năng lượng nhiệt dồi dào, khai thác nguồn địa nhiệt của vùng này là nguồn năng lượng quan trọng để cung cấp cho công cuộc xây dựng của cao nguyên Tây Tạng, vì vậy địa nhiệt không những là một đặc sắc lớn của Tây Tạng mà còn là một ưu thế lớn để xây dựng đất nước.