Vì sao trên trời lại xuất hiện sao băng?
Ban đêm có lúc ở chân trời loé sáng, tiếp theo có một cung sáng lướt qua bầu trời. Nó tự nhiên đến rồi tắt rất nhanh, người ta thường gọi đó là sao băng.
Trong truyền thuyết cổ của Trung Quốc có nhiều chuyện thần thoại về sao băng, phổ biến nhất là cách nói mỗi người tương xứng với một ngôi sao. Người đó chết đi thì ngôi sao tương ứng cũng rơi xuống đất. Cho nên những Hoàng đế phong kiến trước đây, để duy trì sự thống trị của mình, lo mình bị chết nên chuyên nuôi các thầy xem số để quan sát bầu trời, dự đoán cát, hung cho các bậc đế vương.
Cách nói này không có cơ sở khoa học. Theo thống kê ngày nay dân số trên Trái Đất có hơn 6 tỉ người, còn các ngôi sao trên bầu trời bao gồm những ngôi sao thấy được và không thấy được có đến hàng trăm tỉ. Hơn nữa nói sao băng rơi xuống đất cũng không chính xác. Ta thấy bầu trời đầy sao, ngoài các hành tinh là anh em của Trái Đất ra thì các hằng tinh to lớn rất nhiều, nó là các thiên thể tương đương với Mặt Trời, chẳng qua nó cách Trái Đất quá xa nên khả năng va chạm với Trái Đất rất nhỏ mà thôi. Do đó trong lịch sử nhân loại căn bản không có chuyện sao rơi xuống đất.
Vậy sao băng thực chất là gì?
Sao băng, nói một cách khoa học là những vật chất giữa những ngôi sao rơi vào tầng khí quyển, ma sát với không khí mà có hiện tượng phát quang.
Nguyên là khoảng không vũ trụ gần Trái Đất, ngoài các hành tinh ra còn có các vật chất giữa các ngôi sao. Những vật chất này nhỏ thì như hạt bụi, lớn thì như quả núi, chúng chuyển động với tốc độ rất nhanh với quỹ đạo riêng của mình trong vũ trụ. Những vật chất này còn gọi chung là luồng thiên thạch. Bản thân nó không phát sáng, khi va chạm với bầu khí quyển của Trái Đất, do các luồng thiên thạch có tốc độ rất lớn, mỗi giây có thể đạt 10-80 km, nhanh gấp mấy chục lần so với tốc độ máy bay phản lực loại nhanh nhất. Khi các luồng thiên thạch này đi vào tầng khí quyển của Trái Đất với tốc độ cao như thế ma sát mạnh với không khí và bốc cháy, khiến cho không khí bị tác dụng nhiệt độ cao, các luồng thiên thạch sẽ phát sáng. Các luồng thiên thạch trong không khí không phải bỗng chốc cháy hết ngay mà là cháy dần trong quá trình chuyển động, như vậy sẽ hình thành cung sáng mà ta nhìn thấy.
Có lúc vì thể tích của luồng thiên thạch lớn quá, không kịp cháy hết nên rơi xuống đất ta gọi là vẫn tinh (sao rơi, sao rụng). Vẫn tinh có lúc là vẫn thạch, có lúc là vẫn sắt, có lúc là vẫn đá sắt. Vì không khí dày đặc nên vẫn tinh rơi xuống mặt đất rất ít, lúc rơi xuống mặt đất tốc độ đã rất nhỏ cho nên ít gây ra tai hoạ.
Bản chất của vẫn tinh là gì? Căn cứ kết quả hoá nghiệm các vẫn tinh thì thành phần chủ yếu của nó là sắt, niken hoặc có một số là đá. Cũng có người dự đoán rằng, trong vẫn tinh còn có thể có một số nguyên tố trên mặt đất không có, chỉ vì trong khi bốc cháy những nguyên tố này đã bị cháy hết nên trong hoá nghiệm chưa gặp mà thôi.
Còn có một số luồng thiên thạch khi đi vào tầng khí quyển bị bốc cháy phát sáng, nhưng vì tốc độ rất lớn nên sau đó lại bay ra khỏi tầng khí quyển. Chúng giống như những người khác giữa trời và đất, đến thăm Trái Đất như một tia chớp rồi sau đó lại bay vào không gian vũ trụ.