Vì sao xuất hiện "phản ứng chênh lệch giờ"?
Những người đi xa để tham gia thi đấu, biểu diễn hoặc du lịch... thường đi máy bay đường dài, cơ thể hay xảy ra một vấn đề khiến người ta đau đầu, đó là "phản ứng chênh lệch giờ". Sau khi đến chỗ mới, thường ban ngày họ cảm thấy mệt mỏi, lơ mơ buồn ngủ, ăn không ngon, buổi tối lại hưng phấn khác thường, khó ngủ.
Đó là do phản ứng của cơ thể không quen với sự chênh lệch của thời gian mà gây ra. Mọi người đều biết: quả đất tự quay từ tây sang đông, cứ 24 giờ quay được 360 độ, tức một giờ quay được 15 độ. Múi giờ ở những kinh độ khác nhau có khác nhau. Người ta quy định cách 15 kinh độ là một múi giờ. Toàn cầu được chia thành 24 múi giờ. Cùng một múi giờ thì dùng giờ như nhau, giữa hai múi giờ cạnh nhau chênh nhau một giờ, phía đông sớm, phía tây muộn, ánh sáng mặt trời di chuyển trên mặt đất 15 độ thì chuyển qua múi giờ khác. Giờ ánh sáng mặt trời đến sớm hay muộn quy định sự biến đổi giờ tiêu chuẩn ở chỗ đó. Máy bay đi từ Đông sang Tây, phù hợp với sự chuyển dời của ánh sáng mặt trời, cho nên thời gian "co ngắn" hơn. Ví dụ, từ Thượng Hải bay đi Oasinhtơn mất 12 tiếng, vượt qua 13 múi giờ; nếu đi từ 9 giờ sáng ngày 1/6 thì lúc đến nơi là đến 8 giờ sáng ngày 1/6 ở Oasinhtơn (lúc đó là 9 giờ tối ở Thượng Hải). Ngược lại, máy bay bay về phía Tây thì thời gian sẽ "dài ra".
Giống như quy luật chuyển động hằng ngày của quả đất, cơ thể cũng có quy luật hoạt động 24 giờ trong một ngày của nó. Người ta có thói quen ban ngày làm việc, đêm nghỉ ngơi. Nhiệt độ bình thường của người buổi sáng thấp nhất, buổi chiều tối cao nhất. Nhịp tim, nhịp thở ban ngày nhanh, ban đêm thấp. Số lượng hồng cầu và bạch cầu trong máu buổi sáng thấp nhất, buổi tối tăng nhiều.
Các chất nội tiết tố hằng ngày cũng có tăng giảm. Ví dụ, chất nội tiết tố của vỏ thượng thận ban đêm ít, ban ngày nhiều, chất kích thích tố sinh trưởng ban ngày ít, ban đêm nhiều. Những điều này đều thể hiện quy luật biến đổi chu kỳ ngày đêm của sinh lý cơ thể. Sự hình thành quy luật biến đổi sinh lý cơ thể liên quan mật thiết với sự biến đổi của thời gian chiếu sáng của mặt trời, nhiệt độ, áp suất không khí, độ ẩm của môi trường trong thời gian lâu dài.
Khi đi máy bay về phía Đông hoặc phía Tây trong một thời gian ngắn, xuyên qua nhiều múi giờ, do múi giờ thay đổi nên thời gian ngày đêm cũng thay đổi. Việc ngủ, thức, nhiệt độ, huyết áp, tiết ra các chất kích thích tố... với nhịp điệu sinh lý bình thường bị đảo lộn, thậm chí đảo ngược. Như đã nói ở trên, từ Thượng Hải đi và buổi sáng, qua 12 tiếng đến Oasinhtơn vẫn là buổi sáng; trong khi bình thường, đó là lúc trời tối và hành khách được nghỉ ngơi. Vì vậy, tuy là buổi sáng nhưng người ta vẫn lơ mơ buồn ngủ, mệt mỏi, sức chú ý và hiệu suất làm việc giảm thấp. Nhưng qua mấy ngày hoặc mấy tuần sau, nhịp điệu tâm lý và sinh lý của cơ thể tự động điều tiết thay đổi thích nghi với môi trường, sự phản ứng về chênh lệch giờ sẽ mất dần đi.