Dây thun xanh, dây thun đỏ

Mỗi sáng đi học, mẹ cho hai anh em mỗi đứa một nghìn đồng để ăn quà. Bao giờ Hoài Ly cũng tiêu hết số tiền ấy. Thì làm gì mà chẳng hết – một nghìn đồng đủ mua một gói xôi đậu xanh. Nhưng Hoài Ly chỉ mua gói xôi tám trăm. Còn lại hai trăm, để dành đến lúc ra chơi mua kẹo.

Anh Dũng thì khác. Là con trai, lại hơn Ly đến ba tuổi, gói xôi một nghìn với anh là vừa.

Tất nhiên không phải sáng nào cũng ăn xôi. Nhưng nếu ăn thì hai anh em lại đến bà bán xôi quen ở đầu phố. Dũng dừng xe đạp để cho Ly ngồi sau nhảy xuống mua. Bà bán xôi biết ý, đơm liền hai gói. Một gói cột dây thun xanh. Một gói cột dây thun đỏ. Hai gói xôi không nhỉnh hơn nhau bao nhiêu, nhưng bà dặn: xanh tám trăm, đỏ một nghìn. Lại nữa: bao giờ bà cũng chuẩn bị sẵn hai trăm lẻ để trả lại cho cô bé.

Vậy mà gần cả tuần nay, bà bán xôi chỉ bán được cho hai đứa mỗi một gói có dây thun xanh.

Dũng không ăn xôi nữa, đúng ra là nhịn luôn cả ăn sáng. Hoài Ly hỏi, Dũng chỉ cười. Ly nghĩ: Mẹ vẫn cho tiền cả hai anh em, có lẽ anh Dũng nhịn ăn để dành tiền chơi trò chơi điện tử. Nếu đúng vậy thì Ly sẽ mách mẹ. Sắp mùa thi, nhịn ăn lấy tiền đi chơi thì còn học ôn sao được !

Nhưng Ly mới chỉ kịp nghĩ chứ chưa mách. Ly bận học. Bận quá, quên mách, quên luôn cả một chuyện quan trọng khác.

Sáng sớm hôm ấy, vừa soạn xong sách vở chuẩn bị đến trường thì anh Dũng lại bên, nhìn Ly cười cười. Anh lấy trong cặp ra một gói nhỏ, bọc giấy hoa, đưa cho Ly: 

– Tặng em. – Anh vui vẻ nói tiếp. – Chúc mừng em thêm một tuổi!

Ly giật mình. Hôm nay là ngày sinh nhật của Ly. Hôm nay Ly vừa tròn mười một tuổi! Vậy mà quên biến đi mất. Mẹ bận quá cũng quên. Chỉ có anh Dũng là vẫn nhớ.

Ly mừng quýnh, run run mở gói giấy: “Cuộc phiêu lưu của cô bé Tim Tím đến xứ sở Hoa Mười Giờ”. Quyển truyện mới cứng, thơm phức mùi giấy in. Đúng quyển truyện Ly đã thấy trong hiệu sách và rất thích nhưng chưa dám hỏi xin tiền mẹ.

Mẹ cũng vui niềm vui bất ngờ của Ly. Mẹ hứa tối nay sẽ tổ chức liên hoan mừng sinh nhật con gái. Nhưng rồi mẹ sực nhớ ra điều gì và hỏi:

– Thế Dũng lấy tiền đâu mua sách cho em?

Dũng không nói gì, chỉ nhìn em cười cười. Ly chợt hiểu. Cô bé nghĩ đến những buổi sáng trong suốt cả tuần qua, anh Dũng nhịn ăn xôi – nhũng gói xôi thơm phức, ngon lành, có cột dây thun đỏ.

Cậu bé và ông già cho thuê sách

Một buổi trưa… vào giờ tan tầm, bác thợ sửa xe đạp đầu phố thấy một cậu bé đạp xe đi tới đi lui mấy lần.

Chiếc áo đẹp

Gió bấc thổi ào ào qua khu rừng vắng. Một chú Thỏ bước ra, tay cầm lá cọ che thân. Bỗng cơn gió bay vèo kéo theo tấm lá của Thỏ xuống nước. Rét quá, Thỏ co ro thầm nghĩ trong bụng: “Giá như mình có một chiếc áo thì hay biết mấy”.

Alexander Graham Bell – người phát minh ra điện thoại

Ngày 7- 8 – 1922, tất cả các máy điện thoại trên toàn nước Mĩ câm lặng, cả nước cử hành quốc tang tiễn biệt Alexander Graham Bell – người phát minh điện thoại vừa qua đời 5 ngày trước đó.

Nếp sống giản dị của Bác Hồ

Ở cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống rất giản dị. Bác không muốn Chính phủ dành một sự ưu đãi nào cho riêng mình.

Hai chú gấu tham ăn

Ngày xửa ngày xưa, ở một khu rừng rậm nọ chưa từng có ai đặt chân đến, có một con gấu mẹ và hai chú gấu con. Gấu mẹ đã già rồi, nhưng hàng ngày vẫn phải cặm cụi đi kiếm ăn về nuôi hai con của mình...

Gà trống choai thông minh

Một hôm, Gà Trống choai và Chó mực cùng nhau đi chơi ở ngoại ô. Cả hai vừa đi vừa chơi đùa thật là vui vẻ, không biết trời đã tối từ lúc nào rồi...

Trần Nguyên Thái, cô gái đoạt 5 Huy chương Vàng

Trần Nguyên Thái sinh ra xinh xắn như nhiều bé gái khác. Năm 1966, tai hoạ giáng xuống khi cô bé mới 2 tuổi. Mẹ đi làm đêm, chị gái 11 tuổi trông em làm đổ đèn dầu.

Cá vượt đẻ

Bà Ba cẩn thận xem lại đôi quang thúng, buộc chặt thùng dầu hoả, thùng nước mắm vào để quang, lắc lắc xem có bị xô nghiêng hay không. Mưa gió là việc của trời, nhưng việc kiếm cơm của các gia đình nghèo thì không ngừng được

Ông chủ cửa hàng bánh kẹo

Tại vùng Tơ-lan-păng có một cửa hàng bánh kẹo nổi tiếng của bác Phơ-lip. Không ai biết cửa hàng này có từ bao giờ, chỉ biết bác Phơ-lip đã nối tiếp nghề nghiệp của cha ông từ ba đời nay, và được nhân dân trong vùng quý mến.