Hai chú gấu tham ăn

Ngày xửa ngày xưa, ở một khu rừng rậm nọ chưa từng có ai đặt chân đến, có một con gấu mẹ và hai chú gấu con. Gấu mẹ đã già rồi, nhưng hàng ngày vẫn phải cặm cụi đi kiếm ăn về nuôi hai con của mình.

Thương mẹ vất vả, hai chú gấu con liền bảo:

– Mẹ ơi, chúng con giờ cũng đã lớn rồi. Ngày mai, mẹ cho phép anh em con ra ngoài, tự đi kiếm thức ăn nhé!

Thấy hai con đã có ý thức tự lập, gấu mẹ mừng lắm. Ôm hai anh em vào lòng và căn dặn rất nhiều thứ. Lần đầu hai con tự ra ngoài kiếm ăn, trong lòng gấu mẹ tuy có nhiều lo lắng, nhưng cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Sáng sớm hôm sau, hai anh em gấu chào mẹ ra đi. Dọc đường, chúng thấy rất nhiều điều lạ lẫm và thú vị mà ở nhà chưa từng biết đến. Từng đàn bớm xanh bướm đỏ dập dờn bay qua chọc ghẹo, ngay cả những bông hoa rực rỡ trong rừng cũng thi nhau tỏa hương thơm như mời gọi hai chú gấu nán lại cùng chơi.

Hai anh em mải mê khám phá thế giới và chơi đùa đến chiều. Khi bắt đầu thấm mệt, cơn đói ập đến cồn cào ruột gan. Bỗng chúng nhìn thấy một miếng pho mát to bên đường. Cả hai reo lên sung sướng.

Thế rồi hai chú gấu lao đến, cùng vồ vào miếng pho mát. Chúng định chia thành hai phần bằng nhau. Nhưng lòng tham nổi lên, hễ chú này định bẻ đôi ra thì chú kia lại giật lại vì sợ bị thiệt thòi nhận phần ít.

Hai anh em quên mất lời mẹ dặn, không ai chịu nhường ai. Lúc đầu còn nói nhẹ nhàng, sau bắt đầu đầu to tiếng và tranh giành nhau kịch liệt.

Đúng lúc ấy, có một con cáo già đi qua, nghe thấy tiếng ồn ào, nó liền đứng lại hỏi:

– Hai cậu có việc gì mà sao lại to tiếng với nhau thế?

Hai chú gấu tham ăn kể lại đầu đuôi câu chuyện cho cáo nghe. Vốn bản tính gian xảo, sống lõi đời trong khu rừng này, cáo cười và nói:

– Tưởng chuyện gì to lớn. Hai cậu đưa đây, tôi chia giúp cho. Đảm bảo sẽ được hai phần đều nhau, không hơn không kém.

Hai anh em gấu nghe thế, reo lên đầy mừng rỡ:

– Hay quá! Thế nhờ bác chia hộ chúng cháu với ạ!

Cáo cầm trên tay miếng pho mát bẻ ra làm đôi. Nhưng nó cố ý bẻ ra làm hai phần to nhỏ rõ rệt. Gấu anh nhìn thấy, kêu lên:

– Phần này to hơn rồi bác ơi!

Cáo già gian xảo đáp lại:

– Không sao! Không sao! Tôi sửa lại một chút là sẽ đều ngay ấy mà!

Nói xong, cáo liền đưa phần pho mát to hơn lên miệng, ngoạm một miếng thật lớn và nhai ngấu nghiến. Miếng pho mát to lại trở thành phần nhỏ. Lần này, đến lượt gấu em kêu lên:

– Không phải! Chúng lại không bằng nhau rồi!

Cáo già liếm mép, nhìn hai chú gấu tham ăn, tỏ vẻ thông cảm:

– Đừng lo! Tôi chữa lại một chút là chúng sẽ đều ngay.

Thế là cáo lại há mồm ngoạm một miếng nữa thật to vào phần pho mát lớn hơn. Phần này lại trở thành miếng nhỏ.

Hai chú gấu thấy vậy, đồng thành thanh gào lên:

– Lại không đều! Hai phần lại không đều nhau rồi!

Cáo nhìn hai anh em an ủi:

– Được rồi! Tôi chỉ cần sửa một tí nữa thôi!

Cứ như thế, con cáo già gian xảo chén hết miếng này đến miếng khác, mặc hai anh em nhà gấu ngồi nhìn thèm nhỏ dãi. Sau mỗi miếng của cáo, các chú vẫn cứ mải tranh cãi xem phần chia đã được đều nhau hay chưa.

Khi đã chén no bụng, miếng pho mát to chỉ còn lại hai phần nhỏ tí, cáo mới chia đều và nói với hai anh em:

– Xong rồi nhé! Bây giờ thì chúng đã đều nhau rồi! Hai cậu ăn đi, nhớ đừng tranh nhau nữa đấy!

Nói xong, cáo cười khi khì rồi chuồn thẳng.

Hai chú gấu tham ăn tiu nghỉu nhận lấy phần của mình. Chẳng ai nói với ai câu nào, nhưng chắc chúng cũng đã nhận được bài học bởi tính tham lam không biết nhường nhịn nhau của mình.

Cô chủ không biết quý tình bạn

Ngày xưa có một cô bé xinh xắn nuôi một con gà trống đẹp mã. Buổi sớm thức dậy, gà trống gáy – Ò ó o! Ò ó o! Xin chào cô chủ tí hon!

Vua Lê Đại Hành giữ nước

Tháng 7 năm Canh Thìn (980), đại quân Tống xâm lược Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) đã chỉ huy ba quân đánh giặc, đại thắng trên cả hai mặt trận thuỷ bộ, mở ra kỉ nguyên Đại Việt bách thắng.

Lạc đàn

Nhà Kiến ở ven sông, sâu trong một hẻm đá. Thật đông và vui. Hằng ngày, theo chân Kiến chúa, cả đàn rời tổ từ sáng sớm để tìm kiếm thức ăn. Dòng họ Kiến sống vốn có kỉ luật nên đi đâu cũng thành đàn thành lũ.

Nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn

Đặng Thái Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha của Đặng Thái Sơn là nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, mẹ là Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú Thái Thị Liên, nguyên chủ nhiệm khoa đàn piano Nhạc viện Hà Nội.

Đừng chết vì sợ hãi

Khu rừng mà Dê Trắng sinh sống có một con Hổ Xám rất hung ác. Bao nhiêu con vật hiền lành đã phải bỏ mạng dưới nanh vuốt của nó. Hổ Xám trở thành ác mộng đối với các con vật. Không khí chết chóc bao trùm lên cả khu rừng.

Cô Chấm

Chấm không phải là cô con gái đẹp, nhưng là người mà ai đã gặp thì không thể lẫn lộn với bất cứ một người nào khác.

Em của Tí Bẩn

NGÀY XƯA, có một cậu bé ăn ở bừa bãi đến nỗi mọi người gọi cậu ta là Tí Bẩn. Cậu vứt sách vở trên sàn nhà, để giày lấm lên bàn học, cậu khoắng ngón tay vào hộp mứt, đổ lọ mực lên cái áo mới. Chưa thấy ai bừa bãi như cậu bao giờ.

Dây thun xanh, dây thun đỏ

Mỗi sáng đi học, mẹ cho hai anh em mỗi đứa một nghìn đồng để ăn quà. Bao giờ Hoài Ly cũng tiêu hết số tiền ấy. Thì làm gì mà chẳng hết – một nghìn đồng đủ mua một gói xôi đậu xanh.

Hai em bé trong rừng rậm

CÓ HAI EM BÉ, một  trai và một gái, đang đến trường. Chúng phải đi qua một khu rừng rậm và đẹp. Trên đường thì nóng và bụi, nhưng trong rừng lại mát và vui.