Mẹ con nhà Chuối

Gió ào qua khu vườn. Chuối con run rẩy nép sát vào mẹ. Lớn tướng rồi mà nó vẫn chưa hết sợ cái lão Gió bấc có ngọn roi giá buốt này. Tấm áo mỏng tang trên mình nó chưa đủ che kín thân. Thấy vậy, Chuối mẹ lật ngả vội những tàu lá xuống che chở. Từ hồi Chuối con còn là cái mầm nhỏ xíu mới trồi lên khỏi mặt đất, nó đã nhận được sự chăm chút, chiều chuộng của mẹ. Dạo ấy là mùa hạ. Nắng gay gắt. Cây cối thu mình, héo quắt dưới sự hun đốt giận dữ của mặt trời. Thế mà Chuối con vẫn xanh mơn mởn nhờ bầu sữa ngọt lành của mẹ. Chẳng mấy chốc, nó đã to lớn phổng phao. Một bữa, Chuối mẹ lắng giọng bảo con:

– Con ơi, giờ đây đã lớn khôn, con hãy tự tập đi kiếm ăn để mẹ còn lo tạo quả nhé!

Chuối con ngạc nhiên hỏi lại:

– Sống thế này là thích lắm rồi, còn phải tạo quả làm gì hả mẹ?

Chuối mẹ giải thích:

– Mẹ không muốn giống chuối nhà ta là đồ vô dụng. Con không để ý đến ánh mắt mong mỏi chờ trông của ông lão thường vun gốc nhổ cỏ cho chúng ta hay sao? Mẹ phải tạo quả nhanh để còn kịp đền ơn cụ .

Chuối con lúc lắc cuộn lá xanh nõn trên đầu, phụng phịu:

– Ứ ừ! Không có mẹ, con kiếm ăn một mình sao được?

Chuối mẹ vẫn dịu dàng:

– Mẹ muốn nuôi con đến trọn đời nhưng rồi mai đây vừa phải nuôi con lại vừa lo tạo quả, sức mẹ thì yếu lắm rồi, giá như con có thể đỡ đần thêm chút ít…

Chuối con bối rối ngước mắt lên nhìn mẹ và bỗng giật mình. Chao ôi! Mẹ đã khác xưa nhiều quá. Những tàu lá vốn xanh tươi, to dày đến thế mà nay rách nát tả tơi. Những bẹ vỏ khô vàng đổ đầy quanh gốc. Hổ thẹn, chuối con tự trách mình bấy lâu nay quá vô tư. Nó thầm hứa là từ nay sẽ không bao giờ quấy mẹ nữa. Nhất định thế!

Chờ đêm xuống, khi mặt đất được hơi sương làm cho dịu lại, Chuối con khẽ cựa mình rụt rè thò những ngón tay nhỏ bé trắng muốt vào lòng đất tối om. Nó nhấm nháp một cách e dè vị nồng nồng của đất – bữa ăn đầu tiên không phải từ vú mẹ. Cứ thế, những ngón tay của Chuối con bạo dạn lần tìm ra xa, vươn tới những vùng đất tươi xốp, mịn màng.

Chỉ ít lâu sau, trến đầu Chuối mẹ bỗng xuất hiện một búp nhọn màu nâu chọc thẳng lên trời. Mẹ đang tạo quả chăng? Chuối con trộm nghĩ và thầm chờ đợi. Cái bắp chuối ngày một lớn dần và từ từ chúc đầu xuống đất. Hoa chuối nở, lũ quả bé tí đội những chiếc mũ trắng xinh xinh ngơ ngác thò đầu ra ngoài. Để nuôi chúng, hình như Chuối mẹ phải gắng sức nhiều lắm. Cùng với sự lớn lên của quả, vóc dáng Chuối mẹ ngày càng vàng vọt, những cành lá gầy guộc khẳng khiu. Buồng quả trĩu nặng vít cong đầu Chuối mẹ.

Một hôm, đang mải mê nô đùa trong ánh chiều đã nhạt, Chuối con chợt nghe có tiếng động mạnh. Nó ngước mắt nhìn lên thì, ôi thôi! Buồng quả đã biến mất. Trến đầu Chuối mẹ, những giọt nhựa máu rỉ ra từ vết cắt sắc ngọt.

Thương mẹ, Chuối con nói qua nước mắt:

– Con đã bảo rồi, mẹ tạo quả làm gì để người ta hành hạ đến nổi khổ sở như vầy?

Người run lên vì đau đớn, Chuối mẹ vẫn sung sướng nói lại với con:

– Sinh con và tạo quả, thế là đời mẹ trở nên có ích. Buồng quả chín, người ta phải thu hoạch, không thì lũ chim chóc, dơi chuột sẽ làm hỏng đi. Nhìn ông lão làm vườn mừng vui, mẹ cũng thấy lòng mình thanh thản.

Chẳng bao lâu nữa thì mẹ cũng sẽ… Con đừng buồn, đó là quy luật khắt khe của tạo hóa .

– Mẹ đừng nói nữa! Chuối con thốt lên đau đớn. Lần đầu tiên nó “hỗn” vì không muốn nghe, không muốn hiểu những điều mẹ nói. Chuối con sợ cô đơn. Nó thèm được nghe lời ru, những câu chuyện cổ mà mẹ nó vẫn thầm thì kể dưới bầu trời đầy sao.

Mệt mỏi, Chuối con gục đầu vào lòng mẹ. Lời ru dịu dàng của mẹ cất lên đưa Chuối con vào giấc ngủ. Nó ngủ không ngon giấc, thỉnh thoảng lại vật vã các tàu lá. Hình như nó đang ú ớ thét lên trong giấc mơ:

– Đừng bỏ con, mẹ ơi!

Hai lần bàn học tưng hửng

Bàn Học biêt thừa là cái bút ấy của một chú học viên bổ túc bỏ quên tối qua. Cô cậu nào thấy nó đẹp, nhận vơ là của mình thì… Bàn Học sẽ kêu thật to cho bẽ mặt. Sẽ biết tay nhau.

Hội võ mùa xuân

Mùa xuân năm 1753. Cây đào cổ thụ bên lễ đài thi võ đang trổ hoa đỏ thắm. Lễ đài được trang hoàng rực rỡ. Cờ xí rợp trời. Trên khán đài, đức vua Lê Hiển Tông, chúa Trịnh Doanh và đông đủ các quan đại thần đã tề tựu.

Chuyện gấu ăn trăng

Ngày xưa, chú Cuội chưa lên sống trên cung trăng mà vẫn ở mặt đất này cùng với chúng ta. Cuội cũng có bố, có mẹ như chúng ta vậy.

Người rộng lượng và kẻ keo kiệt

Ngày xửa ngày xưa, có hai người hàng xóm, một người thì khẳn khái, rộng lượng, còn một người thì keo kiệt, bủn xỉn...

Bình nước và con cá vàng

I-ren Giô-li-ô Quy-ri sinh ra trong một gia đình khoa học. Mẹ bà là Ma-ri Quy-ri hai lần được Giải thưởng Nô-ben (1903, 1911). Bố của bà là Pi-e Quy-ri, được Giải thưởng Nô-ben năm 1903 cùng với vợ.

Tai ai thính nhất?

Chim Họa Mi bèn lấy một chiếc lá sen to buộc chặt đôi tai của Thỏ lại. Rồi Họa Mi lấy một lá mía buộc chặt vào đầu Rắn, và lấy một lá cỏ buộc đầu Châu Chấu...

Nhà bác học và bà cụ

Edison là một nhà bác học nổi tiếng người Mỹ, đã có nhiều phát minh khoa học lớn. Ông đã góp phần hoàn chỉnh máy điện báo, điện thoại, bóng đèn điện, đèn ống, máy ghi âm, xe điện, máy chiếu phim, v.v…

Ngọn đuốc sống Lê Văn Tám

Được quân Anh che chở và giúp sức, ngày 23 tháng 9 năm 1945, giặc Pháp nổ súng ở Sài Gòn, hòng trở lại cướp nước ta. Nhân dân Sài Gòn sôi sục căm thù, xông lên đánh trả quân xâm lược.

Dế Mèn bênh vực kẻ yếu

Một hôm, qua một vùng cỏ xước xanh dài. Tôi chợt nghe tiếng khóc tỉ tê. Đi được vài bước nữa, tôi gặp chị Nhà Trò ngồi gục đầu bên tảng đá cuội.