Ông chủ cửa hàng bánh kẹo

Tại vùng Tơ-lan-păng có một cửa hàng bánh kẹo nổi tiếng của bác Phơ-lip. Không ai biết cửa hàng này có từ bao giờ, chỉ biết bác Phơ-lip đã nối tiếp nghề nghiệp của cha ông từ ba đời nay, và được nhân dân trong vùng quý mến.

Thứ kẹo được mọi người ưa chuộng nhất là kẹo hạnh nhân trộn với các loại ớt có tiếng của xứ Mê-hi-cô. Kẹo có đặc điểm là khi cho vào miệng, nó vừa ngọt vừa thơm, lại có chất đắng của hạnh nhân và chất cay của ớt, làm cho người ta cảm thấy say sưa, nồng ấm, dễ chịu, nhất là ban đêm khi trời trở lạnh.

Từ ngày quân xâm lược Mĩ chiếm đóng vùng Tơ-lan-păng, cửa hàng của bác có thêm nhiều khách hàng mới. Lúc nào cũng có những gã Y-ăng-ki (lính Mĩ) đội mũ sắt, mặc quân phục, đến mua kẹo.

Bọn khác hàng mới này có thái độ rất hung dữ với dân địa phương, nhưng lại tỏ ra biết điều với bác. Nhiều khi hết hàng, bác không bán nữa, nhưng lũ Y-ăng-ki không ngại gõ cửa năn nỉ bác bán cho vài viên kẹo hoặc đặt tiền để sang hôm sau lấy hàng sớm.

Tất cả bọn lính Mĩ đóng tại đây đều biết mặt bác. Bọn chúng đều mỉm cười chào khi bác đi qua các đồn canh, và luôn luôn thỏa mãn các yêu cầu của bác mỗi khi bác nhờ chúng giúp việc gì. Tuy nhiên, bác vẫn chẳng ưa gì bọn xâm lược này.

***

Một hôm, trời đã khuya, cửa hàng đã đóng cửa. Bác đang chuẩn bị làm mẻ kẹo ngày hôm sau. Chợt có tiếng gõ cửa nhè nhẹ: cốc…cốc…

Bác rón rén, khẽ nâng tấm ván ở cửa sổ lên nhìn.

Ánh sáng từ trong nhà bỗng chiếu ra ngoài. Một người lạ mặt giơ ngón tay trỏ lên ngang miệng, khẽ suỵt một tiếng rồi nói:

- Bác Phơ-lip có nhận ra tôi không?

Phơ-lip nheo mắt nhìn thấy người đó mặc quân phục Mê-hi-cô. Sau một phút ngỡ ngàng, bác nói nhỏ:

- A! Anh Ma-xi-mi-nô đấy phải không?

- Phải! Nói khẽ chứ!

- Mời anh vào trong này.

Cánh cửa hé mở, Ma-xi-mi-nô bước vào. Đó là một thanh niên dáng người mảnh khảnh, nhưng đôi mắt tinh anh, cương nghị.

Bác hỏi nhỏ:

- Đêm hôm tối tăm, anh đến đây chắc có việc gì?

Ma-xi-mi-nô đảo mắt nhìn xung quanh rồi trả lời:

- Quân ta bị vây ở Pa-đi-éc-na. Tôi khó khăn lắm mới thoát được đến đây và đang tìm cách liên lạc với Bộ tư lệnh tối cao ở Chu-nu-bu-xcô.

Bác lắc đầu nói:

- Khó lắm! Từ đây đến đó, quân Mĩ canh gác rất nghiêm ngặt.

- Biết vậy nhưng chúng tôi không thể làm khác. Chúng tôi gần hết đạn dược và lương thực. Nếu không có tiếp viện, quân ta nguy mất.

Bác rót một cốc rượu xương rồng mời Ma-xi-mi-nô, hỏi:

- Anh đến đây một mình hay còn đi với ai?

- Anh em đi với tôi gồm một tiểu đội, còn đang ẩn nấp ở đằng kia.

- Sao không bảo anh em vào trong nhà, ở ngoài nguy hiểm lắm!

- Không phải lo, mọi người đã phân tán ra, ẩn nấp rồi. Tôi muốn hỏi bác có con đường nào trong vùng này không có quân Mĩ canh gác không?

Bác lắc đầu:

- Không, tất cả mọi con đường đều bị canh gác nghiêm ngặt.

Ma-xi-mi-nô thất vọng thở dài, im lặng. Lát sau, anh nói:

- Nếu vậy thì đành phải liều, chứ biết làm sao?

Bác ngạc nhiên hỏi:

- Liều làm sao?

- Tấn công bất thần giữa ban ngày. Chúng tôi mỗi người còn ba mươi viên đạn, nếu ra tay bất thần, thế nào cũng có người thoát được về tới Bộ tư lệnh.

Ma-xi-mi-nô nói giọng cương quyết nhưng đượm vẻ không vui.

- Kế hoạch đó không thực hiện được đâu. Bọn chúng đông lắm. Lại thêm có nhiều vật chướng ngại trên đường, làm sao chạy thoát?

Ma-xi-mi-nô lắc đầu nói:

- Biết là nguy hiểm, nhưng bằng bất cứ giá nào cũng phải thực hiện kì được. Tôi nghĩ nếu ta bất thần tấn công ban ngày, sẽ có một phần mười hi vọng.

Phơ-lip bỗng giơ tay làm yên lòng Ma-xi-mi-nô.

- Thong thả đã! Tôi chợt vừa nghĩ ra kế này, chẳng biết có thành công hay không, nhưng cứ thử thực hiện xem sao!

Đôi mắt Ma-xi-mi-nô sáng lên. Anh ôm chầm lấy hai vai bác, nói:

- Kế hoạch ra sao, nói mau tôi nghe xem!

Bác ghé miệng vào tai Ma-xi-mi-nô thì thầm. Chẳng biết bác ta nói gì, nhưng Ma-xi-mi-nô cứ gật đầu tỏ vẻ đồng ý.

Một lát, Ma-xi-mi-nô lẻn vào trong bóng tối, mất hút. Còn lại một mình, bác Phơ-lip bắt đầu sửa soạn công việc ngày mai.

***

Sáng hôm sau, từng toán lính Mĩ đến cửa hàng mua kẹo. Kẹo đã làm xong nhưng bác chưa bán vội. Bác bắt chúng phải chờ đợi để làm cho chúng càng háo hức.

Bác xua tay nói:

- Chưa có, chịu khó chờ lát nữa!

Một tên lính sốt ruột hỏi:

- Chừng mấy giờ thì có?

- 10 giờ!

- Ô kê!

Đúng 10 giờ, cửa hàng của bác Phơ-lip đã đông nghịt. Lính Mĩ xếp thành một dãy dài. Tên nào tên nấy có vẻ sốt ruột, muốn mua cho mau để còn làm việc khác. Nhiều tên đến phiên gác, không chờ đợi được, đưa tiền nhờ bạn mua hộ rồi chạy vội về đồn.

Bác Phơ-lip bưng một giỏ đầy kẹo, đưa cho từng đứa, luôn miệng xin lỗi. Bác bảo là vì phải mua một thứ vật liệu thượng hảo hạng, nên mới chậm trễ.

Khi tên lính Mĩ cuối cùng rời khỏi cửa hàng, Phơ-lip hạ cánh cửa sổ xuống, kín đáo nhìn về phía đồn lính, theo dõi tình hình.

Chưa đầy nửa giờ trôi qua, bác thấy phía đó có những diễn biến khác lạ. Nhiều tên lính ôm bụng rên la thảm thiết; nhiều tên đau đớn không chịu nổi, quẳng súng nằm lăn lộn dưới đất.

Cơ hội đã đến. Bác Phơ-lip khẽ huýt sáo ra hiệu. Từ phía sau, mười hai binh sĩ Mê-hi-cô lao mình băng qua đồn lính Mĩ.

Cửa hàng cách đồn lính Mĩ khoảng một trăm mét. Mười hai binh sĩ Mê-hi-cô chạy ào ào như một cơn gió lốc, súng sẵn sàng nhả đạn nếu có chuyện bất trắc.

Đột nhiên, ba tên Mĩ từ trong đồn chạy ra, bắn xối xả vào mười hai chiến sĩ. Có lẽ ba tên này không bị ngộ độc bởi các viên kẹo. Nhưng chỉ mới bắn được vài phát, chúng đã gục ngã dưới làn đạn của các chiến sĩ Mê-hi-cô.

Nghe tiếng súng nổ, lính Mĩ đang quằn quại dưới đất cũng gắng gượng cầm vũ khí, trườn đến các hầm ẩn nấp, nổ súng chống trả. Nhưng các chiến sĩ Mê-hi-cô đã chạy thoát.

Một giờ sau, tình hình yên tĩnh trở lại. Bọn lính bị ngộ độc cũng được cứu chữa. Bác Phơ-lip không bỏ trốn, trái lại bác bình tĩnh chờ đợi phản ứng của bọn Mĩ.

***

Một lát, có tiếng gõ cửa. Một tên sĩ quan dẫn một toán lính mang súng gắn lưỡi lê tiến vào cửa hàng. Chúng đem theo một người dân địa phương làm phiên dịch.

Tên sĩ quan đập tay xuống bàn, dằn giọng hỏi:

- Tại sao mày dám đầu độc binh sĩ trong đồn?

Bác Phơ-lip làm ra vẻ ngạc nhiên, hỏi lại:

- Thưa ngài, ngài nói sao? Tôi chẳng hiểu gì cả.

Tên sĩ quan tức quá, mặt đỏ bừng, hai tay nắm lại như muốn đấm vào mặt bác.

Giây lát, hắn cố trấn tĩnh, gằn giọng hỏi:

- Mày đóng kịch khá lắm! Chúng tao đã dành cho mày nhiều ưu đãi, tại sao mày dám phản lại chúng tao?

Bác lắc đầu quả quyết:

- Xin ngài bớt giận, chúng tôi không bao giờ có ý nghĩ xấu xa đó.

Tên sĩ quan cười nhạt, lấy trong túi ra hai viên kẹo, hỏi:

- Mày không cố ý đầu độc, tại sao các binh sĩ ăn kẹo của mày đều ngộ độc?

Bác mỉm cười đáp:

- A! Tôi hiểu rồi! Khổ thân tôi, vì muốn đền đáp lại sự chiếu cố nhiệt tình của các ngài, cửa hàng của chúng tôi đã mua được thứ bột ớt cực kỳ hảo hạng về làm kẹo cho các ngài dùng. Các ngài không khen thì chớ, lại ngờ oan cho chúng tôi.

Tên sĩ quan ngỡ ngàng hỏi lại:

- Mày cứ khăng khăng chối là không đầu độc, vậy mày hãy nuốt những viên kẹo này đi!

- Rất sẵn sàng!

Nói xong, bác Phơ-lip cầm viên kẹo bỏ vào miệng. Viên kẹo vừa trôi qua khỏi cổ, bác cảm thấy từ cuống họng xuống đến dạ dày, một luồng khí nóng thiêu đốt chẳng khác gì nuốt phải cục vôi sống. Trong chốc lát, luồng khí nóng bốc lên làm cho đôi mắt bác mờ đi. Tuy nhiên, bác vẫn đứng thẳng người chứ không lăn lộn như bọn lính Mĩ, vì thường ngày bác có lệ uống một cốc nước ớt, và nếm các quả ớt trước khi làm kẹo.

Tên sĩ quan chăm chú theo dõi bác. Biết trong lúc này chỉ một chút sơ suất có thể mất mạng, bác cố làm ra vẻ tự nhiên. Nuốt xong viên thứ nhất, bác thản nhiên cầm viên kẹo thứ hai bỏ vào miệng. Lần này khí nóng tăng lên gấp bội. Bác thấy đôi chân muốn khuỵu xuống. Bác thản nhiên cúi xuống lấy ghế mời tên sĩ quan ngồi để che giấu những cử chỉ sơ hở của mình.

Khí nóng của viên kẹo làm cho bác Phơ-lip đau đớn, hai chân bắt đầu run rẩy, hai tai ù lên, như nghe tiếng máy bay phản lực bay qua, nước bọt ứa ra làm cho buồn nôn. Nhưng bác cố trấn áp các cơn đau. Bác nghĩ khó có thể chịu đựng được lâu thêm nữa, nhưng bác vẫn làm ra vẻ tự nhiên, mỉm cười nói:

- Chà, kẹo ngon thật! Nếu ngài còn, đưa tôi ăn nốt để chứng tỏ lòng thành thực của tôi.

Tên sĩ quan trầm ngâm không nói. Hắn ra hiệu cho bọn lính ra về. Mặt hắn lầm lầm, không hiểu vì bực mình hay vì đã nghi oan cho bác.

Chờ cho tên sĩ quan đi khỏi, bác chạy vội vào trong nhà, tu luôn một chai nước để giảm bớt khí nóng đang cào xé ruột gan. Nhưng bác không gượng được nữa, té nhào xuống đất, bất tỉnh.

May mắn thay lúc đó không có ai lui tới cửa hàng cả, nhờ đó, điều bí mật hoàn toàn được giữ kín cho đến ngày Mê-hi-cô giành lại được độc lập.

Rất nhiều mặt trăng

Ở vương quốc nọ có một cô bé xinh xinh chừng năm, sáu tuổi. Bé xíu như vậy, nhưng cô lại là công chúa. Một lần, công chúa ốm nặng. Nhà vua rất lo lắng. Ngài hứa tặng cô con gái bé nhỏ bất kì thứ gì cô muốn, miễn là cô khỏi bệnh.

Tiếng bom Sa Diện

Thời Pháp thuộc, bọn thực dân và phong kiến áp bức, bóc lột nhân dân ta thậm tệ. Già, trẻ, trai, gái hết thảy đều căm ghét chúng. Nhiều thanh niên ưu tú không cam tâm làm nô lệ đã tìm đường ra nước ngoài học tập và làm cách mạng.

Chú dế sau lò sưởi

Buổi tối ấy, nhà Mô-da thật yên tĩnh. Cậu bé thiu thiu ngủ trên ghế bành. Bỗng dưng!… Hình như có một cái gì đó đã xảy ra?

Đối đáp với vua

Một lần, vua Minh Mạng từ kinh đô Huế ngự giá ra Thăng Long (Hà Nội). Vua cho xa giá đến Hồ Tây ngắm cảnh. Xa giá đi đến đâu, quân lính cũng thét đuổi tất cả mọi người, không cho ai đến gần.

Người tìm đường lên các vì sao

Từ nhỏ, Xi-ôn-cốp-xki đã mơ ước được bay lên bầu trời. Có lần, ông dại dột nhảy qua cửa sổ để bay theo những cánh chim.

In chữ rời

Ngày xưa, những bản in đầu tiên được tạo ra bằng cách khắc chữ lên trên một tấm gỗ rồi mới in ra giấy. Tương truyền, Tất Thăng là người đầu tiên phát minh ra kĩ thuật in chữ rời, giúp cho hiệu quả in ấn được nâng lên gấp mấy chục lần...

Bữa tiệc trong rừng

Mùa thu đã về, bầu trời trong vắt, không một gợn mây. Không khí trong sạch, thơm ngát mùi hoa dại. Các con vật và chim muông trong rừng vui hẳn lên. Chúng rủ nhau mở hội mừng mùa quả chín.

Chiếc Lá Non

Buổi sáng cuối xuân, ánh nắng tơ hồng óng ánh trải xuống khắp khu vườn. Những cô Ong áo chẽn vàng đang mải miết lấy phấn hoa. Các cô vừa làm vừa hát...

Bàn tay thơm

Kem ngon quá, vừa ngọt vừa thơm. Gấu con đã ăn hết cả chiếc kem rồi mà vẫn còn liếm láp quanh miệng mình. Trên miệng hết vị ngọt rồi, nhưng ở bàn tay thì vẫn còn...