Sóc Nâu đi học

Buổi sáng mùa thu hôm ấy, khu rừng nguyên sinh rộn ràng tiếng reo cười của chim muông hoa cỏ và thú rừng… Bởi hôm nay là lễ hội khai trường. Riêng Sóc Nâu đang ở trong một tâm trạng nôn nao khó tả vì đây là lần đầu tiên Sóc Nâu đi học.

Lớp học của Sóc Nâu thật là đẹp, bàn ghế, tranh ảnh đủ màu. Tấm bảng thật to được treo trên tường ở chính giữa. Sóc Nâu ngồi vào bàn học, đưa mắt nhìn quanh. Ô hay, bé Sóc nhà bên cạnh hôm nay được mẹ tết cho chiếc đuôi màu đỏ rực, trông mới đẹp làm sao! Chóp Mào được mẹ đan cho mũ mới, màu đỏ thắm. Bạn Tắc Kè cũng được mẹ thêu cho áo hoa tinh tươm. Ngay cả Quạ Khoang cũng, đeo chiếc nơ vàng tươi sáng… Ôi, còn mỗi mình Sóc Nâu chẳng có gì, Sóc Nâu muốn khóc quá!

Cô Yến Phụng líu lo giảng bài như đang hát, còn Sóc Nâu thì cứ ngẫm nghĩ mãi vì sao mẹ để cho Sóc Nâu đi học mà lại chẳng bằng ai thế này… Rồi Sóc Nâu lại càng thêm buồn khi nhớ đến túi hạt dẻ mẹ đã rang cho để sẵn trên bàn mà khi sáng vì vội đến trường, Sóc Nâu quên mang theo… Giá như đang được ở nhà, đang được ở bên mẹ thì Sóc Nâu vừa nhá hạt dẻ, vừa đòi nghe mẹ kể chuyện ngày xưa… Nghĩ đến đây thì Sóc Nâu không thể kiềm chế được nữa, bèn òa lên nức nở…

Cô giáo Yến Phụng ngạc nhiên, đi đến tận chỗ Sóc Nâu ngồi để hỏi vì sao… Sóc Nâu đứng lên tức tưởi thưa:

– Thưa cô, vì mẹ em không thương em! Mẹ không cho em mặc đẹp như bạn Tắc Kè, không cho em tô điểm như bạn Sóc Đuôi Đỏ, không cho em cài nơ như bạn Quạ Khoang. Hu… Hu… Hu…

Hiểu ra, cô giáo Yến Phụng dỗ dành, lấy khăn lau nước mắt cho Sóc Nâu. Rồi cô ôn tồn giải thích:

– Sóc Nâu luôn được mẹ thương chứ sao lại không? Sáng nay mẹ đã chải cho Sóc Nâu có bộ lông mượt mà. Mẹ đan cho Sốc Nâu chiếc túi đựng bút bằng cỏ non xinh xinh… Còn bạn Sóc Đuôi Đỏ chăm làm việc nhà, nên mẹ thưởng cho phấn màu tô chiếc đuôi. Bạn Chóp Mào hát ru em ngủ, nên mẹ rảnh tay đan cho chiếc mũ. Tắc Kè giúp mẹ luồn kim nên mẹ thêu hoa lên áo. Quạ Khoang cùng tìm thức ăn cho cả nhà với bố mẹ nên được thưởng chiếc nơ vàng… Còn Sóc Nâu có làm gì giúp mẹ ở nhà không?

Sóc Nâu lúng túng… vì ở nhà Sóc Nâu chỉ chuyền thoăn thoắt từ cành này sang nhánh nọ thôi! Thấy Sóc Nâu đứng im, mắt nhìn xuống đất, cô giáo Yến Phụng lại líu lo:

– Không sao! Không sao! Từ trước tới giờ Sóc Nâu chưa biết giúp mẹ, thì bây giờ trở đi, Sóc Nâu tập làm để giúp mẹ dần dần. Còn Sóc Nâu đến trường là để học, nên chỉ cần ăn mặc sạch sẽ, có đủ sách vở, thước, bút. Vào lớp phải chăm ngoan. Nếu Sóc Nâu học giỏi, lại chăm chỉ việc nhà giúp mẹ thì sẽ được thưởng nhiều quà đẹp. Sóc Nâu nín khóc rồi. Vậy Sóc Nâu muốn cô thưởng gì nào?

Sóc Nâu tươi tỉnh:

– Thưa cô, hạt dẻ ạ!

Cô giáo Yển Phụng mở giỏ xách, lấy ra chiếc túi xinh xinh, trông quen quen…

– Đây là chiếc túi hạt dẻ mẹ Sóc Nâu gửi cho cô để dành thưởng Sóc Nâu. Sóc Nâu ngoan nên rất xứng đáng được phần thưởng này. Giờ chơi hãy lấy ra ăn nhé!

Sóc Nâu nhận hạt dẻ, vòng tay cảm ơn cô giáo Yến Phụng. Từ đó, mỗi lần Sóc Nâu được điểm mười, cô giáo Yến Phụng luôn thưởng cho Sóc Nâu nhiều hạt dẻ… Ở nhà Sóc Nâu giúp mẹ làm việc, lại được mẹ cho thêm nhiều hạt dẻ nữa, tha hồ thích, tha hồ nhấm nháp…

Liên tiếp nhiều năm liền Sóc Nâu đều đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc và bao giờ phần thưởng cho Sóc Nâu cũng là một túi hạt dẻ thật to, đúng như mơ ước. Vì vậy, Sóc Nấu luôn đến lớp để học giỏi, học chăm chứ chẳng cần phải chải chuốt gì và… Sóc Nâu vẫn chỉ là Sóc Nâu thôi!

Chính tôi có lỗi

Ngoài hành lang nhà ở của Vla-đi-mia I-lích, người chỉ huy đội bảo vệ điện Krem-li đặt một trạm gác. Các học sinh trường quân sự trực nhật hằng ngày. Hôm ấy, một học sinh quân trẻ tuổi không biết mặt Lê-nin được cử tới gác.

Rùa và Hươu

Rùa vốn chậm chạp nhất trong các loài chim thú. Nó biết phận mình nên chẳng khi nào tỏ ra kiêu ngạo. Trái lại, nó rất khiêm nhường. 

Bài học quý

Trong khu rừng kia, chú Sẻ và chú Chích chơi với nhau rất thân. Một hôm, Sẻ nhận được món quà của bà ngoại gửi đến. Đó là một chiếc hộp đựng toàn hạt kê. Sẻ không hề nói với bạn một lời nào về món quà lớn ấy cả.

Đồ chơi của bạn Thăng

Chú Thuận đi làm về không thấy con trai chạy ra đón. Vào nhà, chú ngạc nhiên thấy con ôm gốì nằm trên giường, đôi mắt đỏ hoe

Bẫy cò

Năm ấy tôi mười hai, còn bé Vin lên bảy. Vào dịp hè, chúng tôi được tự do chạy nhảy. Vin tết tóc thành hai dải, thắt nơ xanh, bám theo tôi như chiếc bóng.

Qua suối

Một lần, trên đường đi công tác, Bác Hồ và các chiến sĩ bảo vệ phải qua một con suối. Trên dòng suối có những hòn đá bắc thành lối đi. Khi Bác đã sang đến bờ bên kia, một chiến sĩ đi phía sau bỗng sẩy chân ngã.

Diều hâu và Chích Choè

Ngày xưa trong khu rừng già nọ, có một con diều hâu luôn luôn huênh hoang, hợm hĩnh. Nó tự coi mình là chúa tể của muôn loài chim, tự hào về sức khoẻ vô địch của nó. Một hôm diều hâu tập hợp tất cả các loài chim lại và lên giọng thách thức...

Chiếc dao nóng nảy

Mi-chi-a cầm dao gọt một chiếc gậy, nhưng gọt một chốc, cậu quẳng gậy xuống đất. Chiếc gậy cong queo, sần sùi, trông thật xấu.

Chuyện cổ tích buồn

Sáng nào dậy sớm, Ly cũng nhìn thấy bà. Bà đang lúi húi nhặt những bông hoa sứ rụng ngay trước cổng nhà. Lưng bà còng, tóc bà bạc trắng. Hình như bà đã đến nhặt hoa ở đây từ lâu lắm, vì cây hoa sứ này còn nhiều tuổi hơn Ly gấp mấy lần.