Bàn chân kì diệu

Một buổi sáng, trời đẹp, cô giáo Cương đến lớp sớm. Cô đang chuẩn bị để viết trước bài học vần lên bảng thì thấy một em bé thập thò ngoài cửa. Cô bước ra và dịu dàng hỏi:

– Em muốn hỏi gì cô phải không?

Em bé lặng im, xúc động, chưa kịp nói gì bỗng một học sinh trong lớp kêu lên:

– A! Thằng Kí! Thằng Kí liệt đến làm gì thế nhỉ?

Cô giáo Cương quay lại bảo em học sinh đó im lặng, rồi cô cúi xuống nhìn em bé. Em bé khẽ nói:

– Thưa cô, em xin cô cho em học có được không ạ?

Cô giáo cẩm lấy tay Kí. Hai cánh tay em mềm nhũn buông thõng không cử động được. Cô lắc đầu thất vọng:

– Khó lắm em ạ, em về nhà chơi, để lớn lên ít nữa xem sao đã.

Cô thoáng thấy đôi mắt Kí nhòa đi. Em quay ngoắt lại, chạy về nhà, hình như vừa chạy vừa khóc.

Cô giáo trở vào lớp. Nhưng cả buổi học hôm ấy hình ảnh em bé với hai cánh tay buông thõng vẫn hiện lên trước mắt. Cô thương em ham học nhưng chẳng may bị tàn tật.

Mấy hôm sau, cô giáo đến thăm Kí. Qua cổng, cô dừng lại vừa ngạc nhiên, vừa cảm động: Kí đang ngồi giữa sân hí hoáy tập viết. Kí cặp một mẩu gạch vào ngón chân và đang vẽ xuống đất những nét chữ ngoằn ngoèo. Cô hỏi thăm tình hình sức khỏe của Kí và cho em mấy viên phấn.

Mấy hôm sau, Kí lại đến lớp. Lần này em được nhận vào học. Cô giáo đã dọn một chỗ ở góc lớp, trải chiếu cho Kí ngồi và tập viết ở đó. Em cặp cây bút vào ngón chân và tập viết vào trang giấy. Ôi! Biết bao nhiêu khó khăn. Cây bút như không muốn làm theo ý muốn của Kí. Bàn chân Kí giẫm lên trang giấy, cựa quậy một lúc là nhàu nát cả. Mực giây bê bết. Mấy ngón chân mỏi nhừ. Cô giáo thay cây bút chì cho Kí. Kí lại kiên nhẫn tập viết. Mấy ngón chân của Kí quắp lại giữ cho được cây bút chì đã khó rồi, còn điểu khiển nó viết thành chữ lại càng khó hơn. Kí cố gắng hết sức để đưa cây bút chì đi theo nét chữ.

Bỗng Kí nằm ngửa ra, giơ chân lên, mặt nhăn nhó, miệng xuýt xoa trông thật tội nghiệp. Cô giáo và mấy bạn nữa chạy vội lại đỡ Kí. Thì ra bàn chân Kí bị chuột rút co quắp lại không duỗi ra được. Các bạn Kí phải xoa bóp mãi Kí mới đỡ. Cái giống “chuột rút” thật khó chịu. Nó đã rút được một lần thì sau nó cứ rút mãi, làm khổ Kí rất nhiều. Có lần đau đến tái người, Kí quẳng bút chì vào xó nhà định thôi học. Nhưng cô giáo Cương lại an ủi và khuyến khích: “Em cứ tập dần từng tí một, phải hết sức chịu khó mới được”. Các bạn mỗi người góp một câu, giúp một việc.

Lời khuyến khích dịu dàng của cô giáo, những cái nhìn, những cử chỉ thân thương của bạn bè đã tiếp sức cho Kí. Kí lại quắp bút vào ngón chân và lại hì hục tập viết, “mỗi ngày một tí” như lời cô giáo dạy. Kí bền bỉ, vượt mọi khó khăn. Trời nắng, trời mưa, người mệt mỏi, ngón chân đau nhức, có lúc chân bị chuột rút liên hồi… Tất cả những khó khăn đó không làm Kí nản lòng. Buổi học nào cũng vậy, trong góc lớp, trên mảnh chiếu nhỏ, Kí hì hục tập viết hoài. Trông Kí ai cũng thương.

Nhờ kiên trì luyện tập, Kí đã thành công. Lên lớp Một, Kí đã đuổi kịp các bạn. Chữ Kí viết ngày một đều hơn, đẹp hơn. Có lần Kí được 8 điểm, 9 điểm rồi 10 điểm về môn Tập viết. Gương Nguyễn Ngọc Kí dũng cảm, kiên trì vượt khó khăn, vươn lên trong học tập đã được mọi người biết đến. Lúc Bác Hồ còn sống, Bác đã hai lần gửi huy hiệu của Người tặng Nguyễn Ngọc Kí.

Xem thêm