Đường sắt leo núi có điểm gì đặc biệt?
Đường sắt là một hình thức giao thông trên bộ được sử dụng rộng rãi nhất, nó có thể vượt qua sông bằng cầu lớn, cũng có thể vượt qua núi cao bằng đường hầm. Tuy nhiên, nếu mọi người muốn leo lên núi cao, thì chỉ có thể leo trèo bằng chân, hoặc là đi ô tô đi từ từ theo con đường chạy vòng quanh sườn núi, vì độ dốc của đường sắt nói chung không vượt quá 20%, nếu lớn hơn thì tàu chạy sẽ nguy hiểm.
Tuy nhiên, các nhà thiết kế đường sắt và tàu hoả đã nghĩ ra một biện pháp giúp tàu có thể leo lên dốc rất cao. Đó là đường sắt leo núi.
Đường sắt leo núi khác với đường sắt thông thường, ở giữa hai đường ray thông thường chạy song song nhau, người ta tăng thêm một đường ray có răng, cho nên còn gọi là đường sắt ba ray hay đường sắt ray có răng. Hình dáng bên ngoài của tàu hoả leo núi không khác gì so với tàu hoả thông thường, nhưng ở dưới gầm tàu có lắp một dãy bánh răng dẫn động. Khi leo núi, bánh răng ở gầm tàu ăn khớp với ray có răng ở giữa đường tàu, tàu hoả do đó được kéo và "bò" lên, giống như các vận động viên leo núi bám vào các gờ đá để leo lên vậy, cơ cấu đặc biệt này của đường sắt leo núi khiến cho đoàn tàu có thể an toàn leo lên cao với độ dốc 20%.
Đường sắt leo núi và tàu leo núi do có sức chở tương đối nhỏ, khoảng cách vận chuyển tương đối ngắn, tốc độ cũng không yêu cầu cao, và có bộ phận hãm, nên trong quá trình leo núi được bảo đảm an toàn. Vùng núi Alpes của Thuỵ Sĩ có xây dựng đường sắt như thế, chuyên dùng để leo núi tham quan du lịch. Du khách ngồi vào toa tàu có thể thấy sự tân kỳ của đoạn đường leo núi, lại có thể ngắm cảnh đẹp, thực sự cảm thấy thích thú khi đi du lịch.